Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Thanh Hóa: Nhiều phụ huynh phản đối sáp nhập trường, không cho con đến lớp

(Dân sinh) - Không đồng tình với việc sáp nhập trường, hàng trăm phụ huynh tại 2 xã Tế Nông và Trung Chính, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã không cho con đến khai giảng, cũng như đi học ở trường mới.

Theo Báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Công (Thanh Hóa), tại trường tiểu học Trung Chính, tổng số học sinh sau khi sáp nhập là 446 học sinh bao gồm 150 học sinh của trường Tiểu học Trung ý và 296 của trường Trung chính. Ngày khai giảng 5/9 trong số 150 học sinh được bàn giao của trường Tiểu học Tế Tân (Cũ) có 46 học sinh đến trường, ngày 7/9 có 63 học sinh đến trường học. Tại trường Tiểu học Tế Nông sau khi sáp nhập có 598 học sinh bao gồm 220 em của Trường Tiểu học Tế Tân và 378 của Trường Tiểu học Trung Chính. Ngày khai giảng 5/9 trong tổng số 220 của Trường Tiểu học Tế Tân có 40 em đến trường; ngày 7/9 có 36 em đến trường học. Tại trường tiểu học Trung Chính: Ngày khai giảng 5/9 có 46/150 học sinh đến trường; ngày 7/9 có 63/150 học sinh đến trường học; tại trường tiểu học Tế Nông ngày khai giảng 5/9 có 40/212 học sinh đến trường; ngày 7/9 có 36/200 học sinh đến trường học.

Thanh Hóa: Nhiều phụ huynh phản đối sáp nhập trường, không cho con đến lớp - Ảnh 1.

Trường tiểu học Trung Chính

Liên quan đến sự việc trên, ông Đỗ Gia Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nông Công (Thanh Hóa) cho biết, thực hiện chủ trương của huyện Nông Cống về công tác sáp nhập các trường học thuộc các xã Yên Mỹ, Tế Nông, Trung Chính; UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo công tác bố trí, sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học tại các xã Yên Mỹ, Tế Nông, Trung Chính (Quyết định số 1902/QĐ-UBND ngày 5/6/2020).

"Phòng Giáo dục và Đào tạo đã thành lập tổ công tác rà soát, khảo sát tình hình thực tế các đơn vị trường học để xây dựng dự thảo phương án bố trí, sắp xếp, sáp nhập trình Thường trực UBND huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét quyết định, đồng thời gửi phương án sáp nhập đến các xã Yên Mỹ, Tế Nông và Trung Chính xin ý kiến về việc bố trí, sắp xếp, sáp nhập, đổi tên các đơn vị trường; Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ các xã Yên Mỹ, Tế Nông và xã Trung Chính đã tiến hành thành lập Ban chỉ đạo sáp nhập trường, đổi tên trường, tiến hành tuyên truyền đến tầng lớp nhân dân. Phòng đã nhận được sự đồng thuận và gửi báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp ý kiến góp ý hoàn thiện phương án chính thức. Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thành lập tổ kiểm tra, thẩm định các điều kiện sáp nhập trường, đổi tên trường đối với các các xã gặp gỡ tập thể lãnh đạo các địa phương và ban giám hiệu các nhà trường" - ông Xuân thông tin.

Ông Xuân cũng cho biết, các xã Yên Mỹ, Tế Nông và Trung Chính đã tiến hành đúng trình tự, đảm bảo đủ các điều kiện để sáp nhập, đổi tên trường theo quy định. Trên cơ sở đó và kết quả thống nhất của hội nghị ban chỉ đạo công tác bố trí, sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học tại các xã Yên Mỹ, Tế Nông, Trung Chính của huyện.

Tuy nhiên, sáng ngày 5/9, khi cả nước bước vào ngày khai trường, cũng như ngày đầu tiên đi học thì hầu hết phụ huynh ở trường tiểu học Trung Ý cũ đều không cho các cháu đến trường mới là trường tiểu học Trung Chính. Nhiều người dân ở các thôn Thọ Vinh, Quang Vinh, Phú Thanh, xã Trung Chính mong muốn con em họ vẫn được học ở trường tiểu học Trung Ý cũ để không phải đi học xa, không phải đưa đón nhiều lần trong ngày.

Ông Lê Xuân Phùng, Chủ tịch UBND xã Trung Chính cho biết: “Nguyên nhân các bậc phụ huynh không cho con đến trường tiểu học Trung Chính là do không đồng ý việc sáp nhập trường tiểu học Trung Ý về trường tiểu học Trung Chính, bởi sợ con em phải đi lại xa, vất vả, không có người đưa đón, đặc biệt là không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.

Theo ông Phùng, việc sáp nhập các trường THCS và tiểu học thuộc xã Trung Ý cũ và các trường thuộc xã Trung Chính lần này nằm trong lộ trình chung của việc thực hiện Nghị quyết 786 của UBTV QH về sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, các xã có hai tiêu chí về dân số và diện tích không đạt 50% theo tiêu chí chung được Quốc hội quy định phải tiến hành sáp nhập.

Xã Trung Chính diện tích ít, dân số chưa đầy 5.000 người. Bên cạnh đó xã Trung Ý (cũ) còn có diện tích và dân số ít hơn (khoảng 2.300 người). Vì vậy, hai xã Trung Chính và Trung Ý (cũ) phải sáp nhập lại thành một xã. 

Theo đó, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, trường học, trạm xá phải sáp nhập để đảm bảo khả năng đầu tư cơ sở vật chất, cán bộ, giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Trường tiểu học Trung Ý cũ đã có dấu hiệu xuống cấp.

Cô giáo Hà Thị Hạnh, Hiệu trưởng trường tiểu học Trung Chính cho biết, để chuẩn bị chào đón năm học mới, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương chỉnh trang, đầu tư xây mới thêm 4 phòng học, nhưng đến nay, số lượng học sinh đến trường khá ít. Học sinh lớp 1 lại là năm đầu tiếp cận với chương trình sách giáo khoa mới. Mong rằng các bậc phụ huynh khắc phục những khó khăn, vướng mắc sớm đưa các em đến trường, để các em không phải chịu thiệt thòi.

 Ông Đỗ Gia Xuân cho biết thêm: "Hiện huyện Nông Cống đã chỉ đạo các xã Trung Chính, Tế Nông tích cực tuyên truyền, phân công cán bộ xã đến từng thôn, đến từng người dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng và vận động phụ huynh đưa con em đến tường học tập; từng bước các xã Tế Nông, Trung Chính, Yên Mỹ đầu tư xây dựng bếp ăn bán trú tại các trường tiểu học phục vụ số học sinh, đặc biệt là số học sinh lớp 1 có bố mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà không có điều kiện đưa đón con nhiều lần trong ngày. Đồng thời xử lý nghiêm trước pháp luật những đối tượng xuyên tạc trên mạng xã hội, có hành vi xúi giục và ngăn cản nhân dân không cho con em đi học làm trái quan điểm chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước", ông Xuân thông tin.