Với quyết tâm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, đầu năm 2022, ông Mai Văn Sỹ ở thôn 1, xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn đã mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn và được NHCSXH Bỉm Sơn cho vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm. Có vốn ưu đãi từ ngân hàng cùng với nguồn vốn tích góp của gia đình, ông Sỹ đã mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại tổng hợp trồng các loại cây ăn quả ổi, bưởi, xoài và nuôi lợn, gà... Hiệu quả rõ rệt ngay trong năm đầu khi tổng thu nhập từ trang trại của gia đình ông đạt hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng.
Khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cuối năm 2022, gia đình chị Lê Thị Ly ở thôn 1, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn được Đoàn Thanh niên xã Nga Liên tạo điều kiện tín chấp để vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tại NHCSXH huyện Nga Sơn. Từ vốn vay ngân hàng, lại được cán bộ tư vấn mô hình kinh doanh phù hợp, gia đình chị Ly đã mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình nhà màng, nhà lưới trồng dưa kim hoàng hậu với diện tích lên đến 1.750 m2. Hiện nay, mô hình của gia đình chị đang tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương. Sau vụ thu hoạch đầu tiên mang lại hiệu quả kinh tế cao, trừ các chi phí đi gia đình chị Ly cũng thu lãi về hàng chục triệu đồng.
Được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi xuất thấp với số tiền vay 100 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thường Xuân, ông Lê Văn Sơn ở thôn Tân Lập, xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân đã có điều kiện chăm sóc diện tích 3,7 ha trồng cây gai xanh của gia đình. Nhờ chăm sóc tốt, vườn cây gai của gia đình ông Sơn phát triển mạnh mẽ, hứa hẹn một vụ thu hoạch cho năng suất, hiệu quả cao.
Ông Lê Văn Sơn cho biết: “Sau khi được tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, của xã tuyên truyền về chương trình hỗ trợ giảm lãi suất vay vốn tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Thường Xuân, tháng 2/2023, gia đình tôi đã làm hồ sơ vay 100 triệu trồng theo chương trình cho vay phát triển sản xuất của ngân hàng. Với mức hỗ trợ 2% lãi suất/năm, gia đình tôi đã giảm bớt gánh nặng nộp tiền lãi mỗi tháng, yên tâm phát triển kinh tế. Có vốn đầu tư để mua phân bón chăm sóc, theo dự kiến của cán bộ kỹ thuật, năng suất có thể đạt 8 tấn gai, với giá thu mua từ 45 - 47 triệu đồng/tấn, sau 4 tháng trồng, chăm sóc, nếu trừ đi các chi phí, diện tích cây gai xanh cho gia đình tôi khoản lợi nhuận hàng chục triệu đồng”, ông Sơn chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay tại Thanh Hóa, tổng chỉ tiêu được Trung ương giao để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng là 732,5 tỷ đồng, đến ngày 31/8/2023, tổng số tiền đã giải ngân của các chương trình tính dụng chính sách với dư nợ đạt 597,3 tỷ đồng, cho 7.442 đối tượng đang vay vốn. Thanh Hóa đã giải ngân nguồn vốn cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.943 người lao động trên địa bàn được vay vốn với số tiền còn dư nợ là 220 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch được giao. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thanh Hóa luôn làm tốt vai trò là trung gian, là cầu nối giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách và các đối tượng khác có cơ hội tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để tăng gia sản xuất, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong thời gian tới NHCSXH tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục Tham mưu cho Cấp uỷ, chính quyền địa phương và phối hợp với các Sở, ban, ngành đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, thường xuyên rà soát nhu cầu vốn các chương trình tín dụng nói chung và các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP nói riêng để tiếp tục thực hiện cho vay, hỗ trợ hiệu quả cho người dân trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm để thoát nghèo bền vững…”.