Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong năm 2023, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề; tích cực đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đột phá về chất lượng hoạt động GDNN.
Mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được rà soát, quy hoạch lại theo hướng mở, linh hoạt, hình thành mạng lưới có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong GDNN.
Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 66 cơ sở GDNN đang tuyển sinh và đào tạo 35 mã ngành, nghề cao đẳng; 49 mã ngành, nghề trung cấp và 16 ngành, nghề trọng điểm; trong năm đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 83.080 người, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 18,5% so với năm 2022; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29%. Các cơ sở GDNN ngày càng được tăng cường để đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Năm 2023, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tổ chức 22 hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn và ngày hội tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp với sự tham gia của gần 6.000 lượt cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN. Rà soát danh mục thiết bị đào tạo đề nghị mua sắm của 6 trường cao đẳng, trung cấp công lập trên địa bàn tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở GDNN thực hiện các tiểu dự án thành phần thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia. Thực hiện kiểm tra tại 5 cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh có hoạt động GDNN thuộc lĩnh vực sức khỏe, y dược theo chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH đồng thời, kiểm tra một số cơ sở GDNN trên địa bàn về việc đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập theo quy định.
Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 83.380 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,5%.