Muôn vàn nỗi lo
Có con chuẩn bị vào lớp 1, chị Nguyễn Thanh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tỏ ra khá tâm trạng: "Những ngày đầu mới nghỉ học tại trường, tôi vẫn cho con học với cô giáo 1 tuần 2 buổi online. Tuy nhiên việc ôn luyện online cho con rất khó khăn vì con không hợp tác, không thích học. Nếu sắp tới mà phải học online chắc cả mẹ và con đều sẽ rất căng thẳng".
Gia đình anh Nguyễn Hưng (Đống Đa, Hà Nội) đang trong tình trạng đứng ngồi không yên khi năm học mới cận kề. "Sau khi hết giãn cách vợ chồng tôi sẽ phải đến công ty làm việc. Nếu con học trực tuyến, chúng tôi sẽ phải thay phiên nhau nghỉ làm để lo cho con vì con còn quá nhỏ, không thể để tự học ở nhà 1 mình", anh Hưng chia sẻ.
Chị Nguyễn Bẩy (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) lo lắng về việc học trực tuyến của học sinh lớp 1. "Con tôi năm nay vào lớp 1, chưa từng học tiền lớp 1. Con chưa biết đọc, biết viết, thậm chí cầm bút còn chưa đúng cách nên rất cần sự chỉ bảo trực tiếp từ các cô giáo, rồi độ tập trung qua học trực tuyến cũng chưa cao. Bố mẹ có thể dạy con ở nhà nhưng về phương pháp và hiệu quả không thể bằng các thầy cô".
Đa số phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay cho biết, họ chưa muốn nhà trường triển khai vội việc học cho các con bởi nhiều bất cập. Bên cạnh đó, học online sẽ không có lợi cho thị lực, sức khỏe của trẻ. Một số trẻ hiện vẫn đang ở quê, cách ly với ông bà và người thân trước thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên hiện chưa sẵn sàng cho năm học mới. Một số ý kiến cho rằng, nhà trường cần tính toán thời điểm hợp lý, cần thiết có thể lùi thêm đối với học sinh khối 1, chờ dịch được kiểm soát mới có phương án tiếp theo hợp lý hơn.
Hạn chế tối đa việc dạy trực tuyến
Nhiều giáo viên cho rằng, việc dạy học online chỉ thực sự hiệu quả đối với các khối lớp lớn. Riêng lứa tuổi tiểu học, nếu bắt buộc dạy học online, chỉ có thể dạy từ lớp 3. Học sinh lớp 1, 2 cần có sự chỉ bảo, cầm tay uốn nắn của giáo viên. Do đó, hình thức dạy học online thực sự không hiệu quả và không phù hợp với độ tuổi của các con.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, học sinh lớp 1 là đối tượng rất đặc biệt, các địa phương cần tính toán, dựa vào tình hình dịch bệnh mà phân luồng ra để quyết định ngày tựu trường làm sao cho lớp 1 được tận dụng thời gian vàng trong giáo dục đó chính là học trực tiếp, hạn chế tối đa việc dạy trực tuyến. "Cần có những tính toán để các em được học trực tiếp vì những cảm xúc đầu đời khi các em tựu trường, tạo cho các em có tâm thế tốt nhất. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi người học, đặc biệt với học sinh lớp 1", ôngTài nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tài, nếu phải tổ chức dạy học online, các cơ sở giáo dục cần chọn hình thức phù hợp tâm lý lứa tuổi các em, điều kiện, hoàn cảnh gia đình, khả năng cung ứng cũng như khả năng dạy của giáo viên để giúp các em bước đầu làm quen quá trình học tập, hạn chế đến mức thấp nhất việc áp dụng một cách máy móc.
Hiện Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đã có kế hoạch cho học sinh tựu trường và khai giảng năm học mới. Theo đó, Hà Nội quyết định ngày tựu trường sớm nhất đối với tất cả các cấp học, ngành học là ngày 1/9, ngày khai giảng thống nhất toàn thành phố vào ngày 5/9 dự kiến được tổ chức theo hình thức trực tuyến, truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tới toàn thể nhân dân, học sinh Thủ đô.
TP. Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch cho học sinh quay lại trường vào 15/9. Tuy nhiên, hiện nay cả hai thành phố lớn đều đang thực hiện giãn cách xã hội, TP. Hồ Chí Minh trước mắt tiếp tục giãn cách đến giữa tháng 9 nên thành phố đã có kế hoạch năm học mới bắt đầu bằng hình thức trực tuyến cho 10 tuần đầu năm học 2021 – 2022, thực hiện với tất cả các khối lớp, trong đó tập trung cho lớp 1 và 2.