Nguyễn Tuấn Dũng, sinh viên (SV) năm nhất ĐH Bách khoa Hà Nội: “Ý thức được vai trò, trách nhiệm thế hệ tri thức trẻ trong thời bình”
Thế hệ tôi được sinh ra và lớn lên trong một xã hội hoà bình và phát triển, không phải chịu đựng những khổ cực và thiệt thòi của chiến tranh. Đối với tôi, ngày 30/4/1975 gợi lên trong tôi nhiều cảm xúc.
Được đọc những tranh sách lịch sử hào hùng của dân tộc, xem những thước phim tài liệu chiến tranh và nghe những câu chuyện thời chiến từ thế hệ ông, bà, tôi luôn tự hào về những công lao trời biển của lớp người đi trước đã dành trọn thanh xuân, thậm chí cả cuộc đời để phụng sự sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.
Những năm 70 của thế kỷ XX ghi dấu ấn tự hào về một thế hệ HSSV Việt Nam với phong trào “Xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Trong hơn 1 vạn SV Thủ đô lên đường nhập ngũ khi ấy, không ít trong số họ đến từ trường ĐH Bách khoa tôi đang theo học. Được nhìn hình ảnh người lính SV mặc áo trắng lên đường tòng quân, những lá thư được thả từ toa tàu xuống trắng đoạn đường qua ga Hàng Cỏ hay những cuốn nhật ký chiến trường đẫm máu và nước mắt, tôi không khỏi tự hào, đồng thời càng ý thức được vai trò, trách nhiệm của thế hệ tri thức trẻ trong thời bình.
Với tôi, ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước không chỉ là ngày kỷ niệm mà còn là ngày để suy ngẫm và hành động. Tuổi trẻ chúng tôi hôm nay may mắn vì không phải hứng mưa bom bão đạn, may mắn vì mở mắt ra đã thấy bình minh trên màu cờ Tổ quốc nên thấy mình cần có trách nhiệm tôn trọng và biết ơn thế hệ cha ông đã hy sinh vì Tổ quốc, tiếp tục gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa và lịch sử của dân tộc, đồng thời đóng góp cho sự phát triển và hội nhập của Việt Nam trong khu vực và thế giới…
Lê Bảo Trâm, học sinh lớp 11 Anh, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội): “Lớp trẻ không được phép quên đi quá khứ”
Là một người trẻ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoà bình, bản thân tôi và các bạn đồng trang lứa chỉ được nghe và biết đến hai từ “chiến tranh” qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Những trải nghiệm gần gũi nhất của chúng tôi với thời chiến chỉ là những vật trưng bày trong các bảo tàng, hay những thước phim tư liệu, điện ảnh được dàn dựng lại.
Tuổi trẻ của chúng tôi có lẽ chỉ đơn thuần là những ngày tháng được đến trường cùng bạn bè, những giờ phút vui đùa hồn nhiên. Nhưng khi nhìn lại 50 năm trước, đã có những tuổi trẻ hoàn toàn khác biệt. Đó là các anh, các chị đã cống hiến và hy sinh cho nền độc lập, sẵn sàng hiến dâng từng giọt máu đào để bảo vệ Tổ quốc.
Tôi vẫn luôn ám ảnh câu nói của nhân vật Thăng trong bộ phim “Mùi cỏ cháy”: “Tháng 4/1975 sẽ trả lời cho bạn hạnh phúc là gì!”. Và quả thật, nỗi trăn trở lớn lao ấy đã được hồi đáp bằng chiến thắng lịch sử của mùa xuân năm ấy. Đất nước đã đón chào ngày toàn thắng trong niềm vui sướng hân hoan của cả dân tộc.
Giờ đây, khi được học tập dưới ngôi trường THPT Chu Văn An, tôi luôn tự nhủ: Mỗi người trẻ được giáo dục đều có chung suy nghĩ không quên lịch sử, biết ơn cha ông đi trước và phải luôn có ý thức kế thừa, phát huy những giá trị đó trong cuộc sống, trong học tập. Tuổi trẻ với sức khỏe, kiến thức và trí tuệ đang vươn ra biển lớn, hướng đến những giá trị cao đẹp của nhân loại. Vì thế, dù ở vị trí nào, làm công việc gì, thế hệ trẻ Việt Nam đều chung mục tiêu phát huy năng lực của mình, tăng cường vai trò tiên phong, gương mẫu mọi công việc.
Dù đang còn ngồi trên ghế nhà trường, bản thân tôi luôn tự hứa sẽ không ngừng cố gắng thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm người đoàn viên, học tập và tu dưỡng, rèn luyện thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội…
Bùi Thu Hằng, SV năm nhất, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: “Thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh”
Ngày thống nhất đất nước là ngày trọng đại của dân tộc, đối với tôi đó còn là dịp để cả dân tộc cùng nhìn lại lịch sử hào hùng, vẻ vang, là thời gian để nghỉ ngơi và là khoảng lặng bên gia đình để cùng nhau trân trọng, biết ơn những điều mình đang có.
Để ngày 30/4/2023 trở nên thiêng liêng và ý nghĩa hơn, là Bí thư Chi đoàn lớp, điều đầu tiên tôi muốn làm đó là tổ chức một buổi sinh hoạt Đoàn tháng 4 với chủ đề “30/4 – Thống nhất đất nước” để các đoàn viên có thể hiểu rõ hơn về lịch sử của ngày trọng đại này cũng như tạo cơ hội để SV có thể cùng nhau thảo luận, đưa ra những hành động cụ thể để tỏ lòng biết ơn các thế hệ cha anh đi trước, tiếp bước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Ngày nay, khi cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, xã hội không ngừng phát triển, tôi nghĩ thế hệ trẻ cần nỗ lực trau dồi và phát triển bản thân về mọi mặt, mọi kỹ năng, đặc biệt là ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Vì thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh, mỗi giây cố gắng không ngừng của thế hệ trẻ sẽ là nền móng vững chắc giúp đất nước phát triển bền vững và vượt trội.
Mang trong mình những hoài bão, niềm tin và tinh thần nhiệt huyết của một SV năm nhất, cá nhân tôi luôn chủ động, tích cực trải nghiệm nhiều hoạt động và lĩnh vực khác nhau. Luôn học hỏi những kinh nghiệm của những người đi trước để hoàn thiện bản thân, cố gắng trau dồi ngoại ngữ và thi chứng chỉ tin học quốc tế để phục vụ cho việc học; đồng thời, khẳng định giá trị của bản thân mình để “hòa nhập nhưng không hòa tan” trong mọi môi trường, đem lại dấu ấn cá nhân, tạo nền tảng vững chắc để bản thân có thể cống hiến cho tập thể, cho xã hội và đất nước ngày càng phát triển hơn nữa…
Võ Trịnh Đan Linh, SV năm 2 Trường ĐH Kinh tế Quốc dân: “Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, luôn cố gắng theo đuổi ước mơ”
Ngày 30/4 Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đối với tôi từ trước đến nay luôn là một ngày rất thiêng liêng và đặc biệt. Trong tôi đã nhóm lên ngọn lửa tinh thần yêu nước cũng như lòng tự hào về những thắng lợi, những dấu son chói lọi của lịch sử nước nhà.
Để tỏ lòng biết ơn, trân trọng những thành quả mà ông cha ta đã dày công gây dựng, là SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tôi luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân một cách tốt nhất không chỉ về mặt học thức mà còn cả đạo đức và sức khỏe.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, hơn nữa, là đại diện cho thế hệ trẻ ngày nay, bản thân tôi luôn cố gắng để phát huy tinh thần đó. Cụ thể, tôi đã tham gia các hoạt động tình nguyện do Chi đoàn và các tổ chức của nhà trường phát động như: “Đông ấm”, “Hè xanh”. Cùng với đó, tôi luôn tích cực giúp đỡ mọi người khi có thể để tri ân thế hệ đi trước, góp phần xây dựng và cống hiến cho đất nước ngày càng phát triển.
Có thể con đường phía trước còn nhiều khó khăn và thử thách, nhưng vì “Tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” nên tôi luôn cố gắng và nỗ lực theo đuổi ước mơ. Bởi, không chỉ vì bản thân, gia đình mà còn là thực hiện trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự phát triển của đất nước...