Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Thị trường lao động cạnh tranh, nở rộ các khóa học về AI

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Lợi dụng tâm lý FOMO (nỗi sợ hãi mà bản thân bỏ lỡ những điều thú vị hoặc hấp dẫn trong cuộc sống), nhiều khóa học AI mọc lên như nấm, hứa hẹn về lợi ích khổng lồ sau khi học.

Song, chất lượng và độ tin cậy của các khóa học không hề đáng tin như quảng cáo.

Không khó để tìm thấy các khóa học về AI trên mạng với những lời quảng cáo hấp dẫn như “trở thành chuyên gia AI dù bạn là người mới”, “từ con số 0 trở nên thành thạo ChatGPT chỉ trong nửa ngày”...

Chỉ cần gõ từ khóa “Khóa học AI” trên các nền tảng mạng xã hội hoặc các công cụ tìm kiếm, hàng loạt các khóa học và tài liệu từ miễn phí tới mất phí hàng chục triệu đồng hiện ra. Điều này đủ thấy nhu cầu hiểu biết về AI đang phát triển mạnh ở Việt Nam.

Thị trường lao động cạnh tranh, nở rộ các khóa học về AI - 1
 Một buổi học trực tiếp về AI.

Những khóa học này thường sẽ do các website giáo dục trực tuyến tổ chức. Có khóa học miễn phí, có khóa học mất tiền từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng. Mỗi khóa học có trung bình khoảng 40 - 50 buổi học dưới dạng video quay sẵn. 

Là một người làm việc trong lĩnh vực marketing, anh Hoàng Minh Đức (Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh, để không tụt hậu, anh thường xuyên tham gia các khóa học để nâng cấp bản thân.

“Khi người người bàn về AI, học về AI và AI ngày càng ứng dụng nhiều trong công việc, cuộc sống, tôi cũng không thể đứng ngoài cuộc và quyết định đầu tư thời gian và tiền bạc để tham gia các khóa học AI. Tuy nhiên, tôi không khỏi thất vọng sau khi tham gia một khóa học ứng dụng AI cấp tốc trong marketing trị giá 5 triệu đồng”, anh Đức chia sẻ. 

Theo lời quảng cáo, khóa học cam kết sẽ giúp người học sử dụng thành thạo Hubspot, Bard Google, chat GPT, Design AI. Tuy nhiên, khi tham gia học, giáo viên chỉ gửi học viên tài liệu trên nhóm chat Telegram, đồng thời người dạy sẽ gửi các video để minh họa, nhưng thiếu yếu tố thực hành cho học viên.

“Sau 6 tuần học, kiến thức tôi thu được chỉ dừng lại ở kiến thức về giao diện cơ bản của công cụ cũng như vài câu lệnh tìm kiếm”, anh Đức bức xúc. 

Là sinh viên năm cuối ngành ngân hàng, Hoài Thu (Hà Nội) quyết định đăng ký khóa học về AI để hoàn thiện bản thân và có hồ sơ đẹp cũng như tự tin hơn khi nộp hồ sơ ứng tuyển. Hoài Thu cho biết, em đã đăng ký mấy khóa học về AI từ miễn phí đến mấy triệu đồng/ khóa nhưng kết quả không được như kỳ vọng.

Rất nhiều khóa học quảng cáo theo kiểu "treo đầu dê bán thịt chó" vì việc đào tạo không hay như quảng cáo. “Những khóa học này đa số hướng dẫn cách thao tác công cụ AI, làm quen với giao diện cùng một vài câu lệnh cơ bản.

Trong khi, điều mà em cũng như những người học khác mong muốn đạt được đó là học cách tư duy, quy trình hay kỹ năng để làm chủ các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Khóa học chỉ dừng ở mức độ phổ cập kiến thức, cho những người chưa từng nghe hoặc muốn tìm hiểu rõ AI là gì”, Hoài Thu chia sẻ và đưa ra lời khuyên, việc học AI là điều cần thiết để cập nhật những kiến thức, xu hướng mới.

Tuy nhiên, trước khi quyết định đăng ký khóa học, người học nên xem tìm hiểu kỹ đơn vị tổ chức và đơn vị đứng ra để đào tạo có uy tín hay không.

Ông Đặng Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam (AIID) nhìn nhận, trước tâm lý FOMO của nhiều người hiện nay, nhiều khóa học về AI đã ra đời. Tuy nhiên, để tìm các khóa học chuẩn, giáo viên có chuyên môn thì như “đãi cát tìm vàng”. 

Theo ông Sơn, hiện nay nhiều khóa học mở ra nhưng học viên học về thì càng thêm mơ hồ vì tính ứng dụng không có. Để dạy về ứng dụng AI, bản thân người dạy phải làm trong lĩnh vực AI, hoặc có chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực này.

“Nâng cấp bản thân, hoàn thiện thêm các kỹ năng là điều cần thiết. Nhưng các học viên cũng cần tỉnh táo lựa chọn những khóa học uy tín, phù hợp, chất lượng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, người theo học cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng và hiểu rõ nhu cầu của bản thân để tìm những khóa đào tạo phù hợp, tránh rơi vào tình cảnh "cuốn theo số đông" để rồi mất tiền vô ích”, ông Sơn khuyến cáo.

Khánh Vân

Báo Lao động và Xã hội số 129