Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Thị trường lao động phía Nam khởi sắc

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… thị trường lao động có dấu hiệu khởi sắc.

Nhu cầu tuyển dụng lao động tăng

Trong 7 tháng, địa bàn TPHCM có gần 30.000 DN với số vốn đăng ký mới hơn 245.000 tỷ đồng được cấp phép thành lập mới, tăng 8,4% về số lượng so với cùng kỳ năm 2023; hơn 200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,5%) và hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 16,7%).

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN đang có nhiều dấu hiệu tích cực với việc một số DN nhiều công nhân nhận được đơn hàng sản xuất. Điều này đã tác động tích cực đối với thị trường lao động của thành phố.

Các thành phần kinh tế đã thu hút và giải quyết việc làm cho gần 194.000 lượt người (đạt 64,45% kế hoạch năm 2024), trong đó tạo việc làm mới hơn 86.000 lao động (đạt 61,51%).

CN che bien che tao 1.jpg
Nhu cầu tuyển dụng tăng nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tuyển dụng lao động tay nghề cao.

Tại Bình Dương, kinh tế - xã hội tiếp tục tăng trưởng, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc; việc làm và đời sống công nhân lao động ổn định; nhiều DN mở rộng nhà xưởng, nhu cầu tuyển dụng lao động cao.

Trong 7 tháng, 3.200 DN có nhu cầu tuyển dụng 41.000 lao động; các cơ quan chức năng đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 54.000 người, tạo việc làm tăng thêm cho 17.000 người (đạt 47,4% kế hoạch).

Theo dự báo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, trong những tháng cuối năm, tình hình sản xuất, kinh doanh, nguồn đơn hàng của các DN sẽ ổn định hơn so với đầu năm nên DN vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động. Dự báo, tỉnh Bình Dương sẽ cần khoảng 20.000 - 25.000 lao động, chủ yếu lao động có tay nghề.

Tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, đơn hàng khởi sắc hơn so với năm 2023, do đó nhiều đơn vị phải về các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên tuyển lao động. Bên cạnh đó, nhiều DN đang thực hiện các giải pháp thu hút nhân lực, nâng cao phúc lợi để giữ chân lao động, nhất là ngành giày da, may mặc… Trong 6 tháng đầu năm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai đã kết nối, giới thiệu việc làm tại các sàn giao dịch việc làm cho hơn 3.800 lượt lao động.

DN vẫn khó tuyển dụng lao động qua đào tạo

Nhu cầu tuyển dụng tăng nhưng thực tế, DN vẫn gặp khó khi tuyển dụng lao động. Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An về việc tuyển dụng lao động gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động có tay nghề, qua đào tạo.

Một trong những nguyên nhân là việc giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh vẫn còn một số bất cập, hạn chế nhất định như: Chất lượng đào tạo nghề tại một số trường còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của DN; việc đào tạo liên thông các trường để lao động có tay nghề học tập nâng cao trình độ còn hạn chế, dẫn đến học sinh không thích vào học  trường nghề.

Cử tri tỉnh Long An kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH có giải pháp, định hướng lâu dài để góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế.

Thừa nhận trong thời gian qua, nhiều DN đã gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động có chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo nghề các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung lao động qua đào tạo chưa đáp ứng đủ so với cầu của thị trường lao động.

Cụ thể, số lượng đầu vào GDNN hạn chế: Số lượng người học trình độ trung cấp, cao đẳng hàng năm từ 400.000 - 500.000 người so với gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp THPT và khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS hàng năm; số học sinh tốt nghiệp THPT còn lại vào đại học hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động mà không qua đào tạo; học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT.

Năm 2024, các DN trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu lao động, trong đó: 44% lao động không qua đào tạo, 19% có trình độ đại học trở lên; khoảng 37% có trình độ trung cấp, cao đẳng (khoảng 700.000 người) - so với nguồn cung lao động ở trình độ này của GDNN thì còn thiếu khoảng 200.000 - 300.000 người.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, công tác phân luồng, định hướng người học vào GDNN không chỉ là trách nhiệm của hệ thống GDNN mà còn là trách nhiệm chung của các cấp, ngành, các địa phương và cả hệ thống chính trị, xã hội nhằm góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người học đối với việc học nghề và lập nghiệp.

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực GDNN, Bộ LĐ-TB&XH đã quyết liệt chỉ đạo hệ thống GDNN, các cơ sở GDNN tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh người học vào GDNN;

Chỉ đạo tăng cường phối hợp với hệ thống giáo dục, đào tạo và các cơ sở giáo dục phổ thông làm tốt công tác phân luồng, định hướng người học vào GDNN nhằm tăng số lượng đầu vào, cải thiện số lượng và chất lượng đầu ra, đáp ứng yêu cầu của DN.

Hà Phương

Báo Lao động và Xã hội số 98