Mặc dù năm học 2017 – 2018, Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT các tỉnh đã có công văn gửi đến các trường nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các trường học. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu vẫn tái diễn, đã gây khó khăn cho không ít học sinh, phụ huynh học sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Thị Nghĩa.
Là một trong số những phụ huynh có con đang học tại lớp 3/2, Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1, TPHCM) không đồng ý khi Hội Phụ huynh lớp đề xuất đóng tiền lót sàn, anh Võ Quốc Bình, phụ huynh ở TPHCM đã gửi đơn lên Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải tán Hội Phụ huynh, ngay lập tức kiến nghị trên được nhiều bạn đọc hưởng ứng. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh khác thẳng thắn cho rằng: “Sự tồn tại của ban đại diện cha mẹ học sinh hiện nay không cần thiết, trên thực tế ban chỉ là bia đỡ đạn cho nhà trường, họ lợi dụng ban này để hợp thức hóa các khoản thu vô lý. Nếu nhà trường muốn thu khoản gì, khoản nào trong quy định, khoản nào tự nguyện thì cứ thông báo trực tiếp trước toàn trường…”, “Hội phụ huynh chứ không phải hội phụ thu học sinh hay hội họa sỹ...”…
Sáng 22/9 chia sẻ với báo chí về vấn đề đang được dư luận quan tâm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Thị Nghĩa cho biết, Ban đại diện cha mẹ học sinh rất cần thiết vì có chức năng phối hợp, kết nối giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục học sinh. Tuy nhiên, theo bà Nghĩa, cần xem xét hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để đảm bảo đúng hiệu quả và phát huy đúng vai trò chức năng của mình.
Theo Thứ trưởng Trần Thị Nghĩa, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu bỏ quy định hội cha mẹ học sinh thu tiền để không có tình trạng lách luật khi lạm thu. Thực tế hiện nay, một số nơi phụ huynh chưa làm đúng quy định tại điều lệnh mà Bộ GD&ĐT đã ban hành tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011. Đây là trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh và hiệu trưởng.
“Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh, kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh việc thực hiện đúng theo quy định điều lệ của ban đại diện cha mẹ học sinh. Từ đây, hội có sự kết nối để quản lý, giáo dục học sinh cùng nhà trường sao cho tốt hơn”, Thứ trưởng Trần Thị Nghĩa cho hay.
Thứ trưởng Nghĩa thông tin, những vấn đề về học sinh hoặc các hoạt động nâng cao chất lượng học tập, nhà trường cần thông báo cho hội phụ huynh biết, cùng trao đổi thông tin cụ thể. Trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường là cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt cho các cháu. Không nên biến tướng hội phụ huynh thành tổ chức để lạm thu trong nhà trường.
Về việc có nên xóa bỏ quy định Hội phụ huynh được phép thu tiền hay không, Thứ trưởng Trần Thị Nghĩa cho biết: Hội phụ huynh được phép thu hội phí theo quy định điều 10. Trước những biến tướng như hiện tại, Bộ GD&ĐT nghiên cứu có thể bỏ quy định này để tránh hiện tượng lách luật. Việc phụ huynh muốn đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện chứ sẽ không còn quy định.