Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ và các đại biểu tham dự, kết luận phiên họp, với ngành giáo dục, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này; đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi THPT quốc gia.
Trước đó, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm tới việc Bộ GD&ĐT có thay đổi ra sao về phương án thi THPT năm nay, khi mà học sinh đã phải nghỉ rất dài vì dịch bệnh Covid-19 và chưa biết khi nào có thể trở lại trường.
Thanh Niên đã ghi nhận và đăng tải nhiều ý kiến đề xuất của các chuyên gia, các nhà giáo về việc Bộ GD&ĐT cần có các phương án khác nhau về thi THPT quốc gia năm nay, để ứng phó với việc học sinh phải nghỉ học quá dài vì dịch bệnh Covid -19.
Cụ thể, ngày 16/3, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie Hà Nội, đã gửi thư kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đề nghị giảm môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia.
Trong thư, ông Khang đề nghị chỉ thi các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đồng thời, nội dung đề thi cũng cần có những điều chỉnh phù hợp, Bộ cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng đề thi trong năm học đặc biệt này.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP Hà Nội cũng nêu quan điểm: Vì sức khỏe và an toàn tính mạng của học sinh được đặt lên hàng đầu, nên nếu không kịp thì tính đến việc kể cả Bộ có thể dừng thi THPT quốc gia năm nay. Nếu vẫn phải có tấm bằng tốt nghiệp THPT thì Bộ cần tính toán để đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép các trường thi hoặc xét tốt nghiệp THPT trong năm nay, khi mà dịch bệnh xảy đến bất ngờ, buộc chúng ta phải có giải pháp đặc thù để ứng phó.
Xung quanh những đề xuất này, trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng các đề xuất đều có cơ sở thực tiễn và cần được Bộ GD&ĐT nghiên cứu, xem xét.
Cũng theo ông Thắng, chúng ta đang thực hiện luật Giáo dục hiện hành, luật Giáo dục 2019 đến tháng 7/2020 mới có hiệu lực thi hành. Theo đó, luật Giáo dục hiện hành không quy định hình thức thi THPT thế nào, mà giao cho cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD&ĐT quyết định.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban này, cũng khẳng định: "Luật Giáo dục quy định vẫn phải thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tổ chức thi như thế nào, có tổ chức thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, hay cấp trường thì do Chính phủ quyết định, trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Bộ GD&ĐT, chứ luật Giáo dục không nói đây là kỳ thi cấp quốc gia".
Nếu không thi ở cấp quốc gia mà giao cho các trường tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT, theo GS Đào Trọng Thi, thì Bộ GD&ĐT cần xây dựng đề án, trình Chính phủ phê duyệt và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện.
"Báo cáo Quốc hội là để Quốc hội giám sát, những gì chuẩn bị chưa kỹ thì Quốc hội khuyến cáo, chứ Quốc hội không quyết định hình thức thi cụ thể. Quốc hội không ra nghị quyết cho việc này", GS Thi nói thêm.