Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Thừa Thiên Huế bảo đảm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra hiệu quả, an toàn

(Dân sinh) - Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (Bộ GD&ĐT) vừa đến kiểm tra và làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại Thừa Thiên Huế

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại Thừa Thiên Huế

Theo ông Nguyễn Tân - Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm nay, toàn tỉnh có 13.029 hồ sơ đăng ký dự thi. Cụ thể: Giáo dục THPT: 11.934; Giáo dục GDTX: 669 và 429 Thí sinh tự do. Toàn tỉnh tổ chức 38 điểm thi; huy động hơn 2.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ cho công tác thi tại các điểm thi.  

Để chuẩn bị cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các trường hoàn thành nội dung tập huấn, phổ biến quy chế thi và nghiệp vụ thi cho giáo viên, nhân viên và học sinh. Đến nay đã hoàn thiện danh sách nhân sự cho công tác coi thi tại các điểm thi và phương án bố trí nhân sự đảm bảo an ninh, an toàn của đề thi, bài thi và tại khu vực thi. Các điểm thi có phương án hỗ trợ thí sinh dự thi, dự phòng cho khâu coi thi như: địa điểm thi dự phòng, phòng thi dự phòng, dự phòng cho tình huống thiên tai, mất điện...tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất cùng các điều kiện cần thiết nhằm phục vụ tốt nhất cho kỳ thi.

Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phối hợp với Công an tỉnh khảo sát khu vực in sao đề thi, kiểm tra các trang thiết bị đảm bảo an toàn và bảo mật đề thi. Bố trí máy phát điện dự phòng đảm bảo cung cấp nguồn điện cho công tác in sao. Công an tỉnh kiểm tra các phương tiện và xây dựng phương án phòng chống cháy nổ; bố trí lực lượng công an đảm bảo an toàn, an ninh và bảo mật trong khâu in sao đề thi; bố trí máy phá sóng theo đúng quy định. Xây dựng kế hoạch in sao đề thi; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ in sao đề thi; phương án bảo vệ và đảm bảo an toàn trong suốt thời gian in sao. Thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly theo ba vòng độc lập tại khu vực in sao đề thi.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc, y tế, điện nước… trong thời gian diễn ra kỳ thi. Phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn rà soát, tạo điều kiện để học sinh dự thi đảm bảo thuận lợi, an toàn ở tất cả các điểm tổ chức thi.

Làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đề nghị Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT tỉnh cần chỉ đạo một cách toàn diện, chú trọng từng khâu, từng công đoạn của kỳ thi. Phân công rõ nhiệm vụ, phân cấp trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo; tăng cường công tác thanh, kiểm tra của Ban Chỉ đạo địa phương trước, trong và sau kỳ thi; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức kỳ thi, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, đặc biệt thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu xa. Rà soát tổng thể các điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ Kỳ thi: địa điểm in sao đề thi; địa điểm lưu trữ bài thi; địa điểm làm phách; địa điểm chấm thi; hạ tầng công nghệ thông tin,..."In sao vận chuyển đề thi là khâu quan trọng nhất, địa phương cẩn trọng từng khâu. Trước khi vào phòng thi, kiểm soát chặt các thiết bị của thí sinh. Có một số kịch bản dự phòng có thể xảy ra để chủ động ứng phó, tăng cường. Đồng thời, tổ chức phối hợp tốt giữa các sở, ngành ở cấp tỉnh và các phòng, ban ở cấp huyện, thành phố trong quá trình tổ chức thi, đảm bảo kỳ thi diễn ra hiệu quả, an toàn, nghiêm túc”, ông Chương yêu cầu.