Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, đại dịch COVID - 19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó công tác giải quyết việc làm cho người lao động gặp một số khó khăn nhất định, nhất là giải quyết việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tính đến tháng 8/2021, tổng số lao động được giải quyết việc làm toàn tỉnh 10.132 lao động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 300/3.013 doanh nghiệp dừng hoạt động; phần lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ… với 7.504/92.130 lao động bị dừng việc làm, mất việc làm. Tính đến nay, toàn tỉnh có 5.182 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đối với lao động Thừa Thiên Huế đang làm việc ngoại tỉnh, thống kê cung lao động cho thấy hiện có khoảng 95.365 người/62 tỉnh thành trên toàn quốc, riêng TP Hồ Chí Minh là 50.566 người. Thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người lao động Thừa Thiên Huế đang làm việc tại các tỉnh, thành thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là các tỉnh phía Nam liên tục hồi hương về quê.
Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 25.160 lao động trong độ tuổi lao động trở về địa phương, trong đó: 16.198 lao động có nhu cầu học nghề và vay vốn tạo việc làm; 9.791 lao động có nhu cầu giới thiệu việc làm; 1.431 lao động có nhu cầu học nghề; 342 lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 4.618 lao động có nhu cầu vay vốn.
Việc di chuyển lao động là tín hiệu cho thấy thách thức "giải quyết việc làm" với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt là lao động phổ thông làm công ăn lương, làm việc trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử…
Trong khi đó, qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn Thừa Thiên Huế trong những tháng cuối năm 2021, những doanh nghiệp có nhu cầu lớn chủ yếu thuộc lĩnh vực may công nghiệp, chế biến và chế tạo với trình độ lao động có tay nghề phổ thông. Số liệu thống kê hiện nay, 34 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng 7.669 người, tập trung các doanh nghiệp tại khu kinh tế, công nghiệp. Đồng thời, các công ty, doanh nghiệp cũng có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và áp dụng chính sách đánh giá tay nghề linh hoạt, ký hợp đồng chính thức và áp dụng mức lương cao tương đương với bậc tay nghề…
Để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kết nối cung cầu lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương giới thiệu việc làm tại chỗ thông qua các ngành nghề tuyền thống, các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nhiệp giúp người lao động giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập. Người lao động cũng được hỗ trợ chính sách vay vốn giải quyết việc làm; thông tin, tuyên truyền về các chương trình, chính sách đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thừa Thiên Huế đề nghị thêm các giải pháp nhằm giải quyết việc làm ổn định cho người lao động, như: Xây dựng hỗ trợ chính sách học nghề, nâng cao tay nghề để hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề nghiệp; tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài các ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế để tạo việc làm cho người lao động tại địa phương; bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; đẩy mạnh công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; đổi mới công tác về giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm.
Nhằm có phương án hỗ trợ việc làm cho công dân từ vùng dịch về địa phương hiệu quả nhất, ngày 1/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đã làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng đại diện các sở, ngành có liên quan. Ông Bình giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan và các địa phương rà soát, thống kê, nắm lại tình hình về chất lượng, tay nghề, kinh nghiệm của người lao động, số lượng lao động làm việc ngoại tỉnh trở về; thông báo thông tin về nhu cầu làm việc, nhu cầu về lao động của các doanh nghiệp tại đại phương.
Trên cơ sở của việc rà soát, tổng hợp số liệu, tình hình từ các địa phương, doanh nghiệp, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo cụ thể và tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo về vấn đề này, nhằm sớm kết nối người lao động với các doanh nghiệp, kịp thời giới thiệu việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề sớm ổn định cuộc sống cho người lao động.