Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Thừa Thiên Huế tìm giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo lao động gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Ngày 13/12, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam - Chi nhánh Đà Nẵng, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo lao động gắn với nhu cầu doanh nghiệp”.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm tìm các giải pháp hiệu quả nhất gắn kết doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong công tác xác định nghề nghiệp đào tạo. Qua đó nâng cao chất lượng đào tạo nghề hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Đồng thời, tạo sự gắn kết giữa các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và sản xuất kinh doanh. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đặng Hữu Phúc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, tỉnh luôn xác định nguồn lao động dồi dào cung ứng cho doanh nghiệp với chất lượng cao là yếu tố quan trọng, giúp thu hút các nhà đầu tư đến Thừa Thiên Huế triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, đơn vị luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp để tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo lao động, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng được nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Ông Đặng Hữu Phúc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông Đặng Hữu Phúc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo kết quả khảo sát của ngành LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và quá trình hội nhập. Quy mô nguồn nhân lực qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp (22,7%) và lao động qua đào tạo đạt 68% cuối năm 2021. Công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức. Một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn, lợi thế của tỉnh còn thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện chỉ số đào tạo lao động, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất nhóm 6 giải pháp trọng tâm. Đặc biệt là việc tạo gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo,sản xuất kinh doanh. Tạo cơ chế về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp nhận lao động, trực tiếp tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm, hoặc áp dụng các cơ chế phối hợp, hợp tác đồng bộ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo trong đào tạo nghề hiện nay. Tăng cường gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tại Hội thảo đã có 10 báo cáo, tham luận và nhiều ý kiến đóng góp liên quan đến thực trạng cũng như đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo lao động gắn với nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Trần Văn Mỹ - Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế, Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp FDI Thừa Thiên Huế

Ông Trần Văn Mỹ - Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế, Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp FDI Thừa Thiên Huế

Ông Trần Văn Mỹ - Tổng Giám đốc Công ty Scavi Huế, Chủ nhiệm CLB Doanh nghiệp FDI Thừa Thiên Huế cho rằng, trình độ lao động trong khối FDI của tỉnh ngày càng được cải thiện so với trước đây. Tuy nhiên, nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp FDI vẫn còn tồn tại nhiều điểm hạn chế, như: tỷ lệ lao động được đào tạo nghề trong tổng lực lượng lao động còn thấp; đội ngũ lao động ‘chất xám’ còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; tác phong chuyên nghiệp và kỷ luật lao động còn thấp; lực lượng sinh viên vừa ra trường là nguồn cung cấp chủ yếu nhân lực có trình độ cho các doanh nghiệp FDI; sự thiếu khát vọng, ý chí và thường xuyên “nhảy” việc của người lao động. 

“Để phát triển chất lượng nguồn nhân lực tại Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu mới của xã hội, doanh nghiệp hiện nay, chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ, trong đó cần tập trung thực hiện các giải pháp đột phá liên quan đến liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp FDI, có cơ chế thúc đẩy sự chủ động và tham gia tích cực của các bên”, ông Mỹ phân tích.

Ông Mỹ cho rằng Thừa Thiên Huế cần đầu tư nâng cao chất lượng cũng như phát triển thêm các chuyên ngành đào tạo tại các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề chuyên nghiệp, các Trường Đại học với sự tham gia, hợp tác trong đào tạo của các doanh nghiệp FDI tại Thừa Thiên Huế. Các chương trình đào tạo, giáo án, bài giảng tại các cơ sở đào tạo cần bám sát với thực tế hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Các cơ sở đào tạo cần bổ sung vào chương trình đào tạo các khoá đào tạo về kỷ luật, tác phong làm việc công nghiệp, văn hoá giao tiếp nơi công sở, kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài. Đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo cần có những chương trình khảo sát, nghiên cứu thực tế thường xuyên tại các doanh nghiệp. Tăng cường hoạt động thực tập nghề của sinh viên tại các doanh nghiệp. Các Trường Đại học, Cao đẳng mời các nhà quản lý, chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên môn của doanh nghiệp FDI đến trường để tham gia giảng dạy, chia sẽ kiến thức, kỹ năng thực tiễn cho sinh viên thông qua các tình huống thực tế của các doanh nghiệp. 

Các doanh nghiệp mời giảng viên, chuyên gia từ các nhà trường đến doanh nghiệp để huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức mới, các kỹ năng hội nhập cho đội ngũ người lao động của doanh nghiệp, cập nhật kiến thức, nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Ông Đặng Ngọc Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đề xuất, cần xác định đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội phải là tâm điểm của chiến lược đổi mới và phát triển dạy nghề bền vững. Mặt khác, các lực lượng xã hội có liên quan phải được xác định là chủ thể khi tham gia các hoạt động đào tạo nghề. 

Từ thực tế tham gia  công tác đào tạo nghề trong nhiều năm, ông Trần Minh Đức - Giám đốc Công ty Cổ phần Hồng Đức (Huế) cho rằng, cần thành lập hiệp hội giáo dục nghề nghiệp để tạo sự tương tác,qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp. 

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thẳng thắn nhìn nhận chất lượng, trình độ lao động tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp, thị trường lao động. Theo ông Bình, trong số rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, có việc thiếu liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Việc liên kết vẫn còn làm theo hình thức, phong trào, chưa sâu và chưa đi vào thực tiễn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các cấp, các ngành tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, qua đó kịp thời tham mưu, ban hành chính sách, kế hoạch hành động khắc phục hạn chế, nâng cao hơn nữa hiệu quả đào tạo lao động gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo nghề tập trung nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để hạn chế việc tái đào tạo đối với người lao động khi được nhận làm việc tại doanh nghiệp. Ông Bình cũng đề nghị các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý lao động mà tỉnh đang xây dựng, cùng chia sẻ để có dữ liệu dùng chung. Từ đó, có công cụ quản lý một cách khoa học để nắm được tình hình lao động trên địa bàn.