Tham dự Hội thảo có đại diện Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH), đại diện TVET-GIZ, chương trình hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lý trong nước và quốc tế; đại diện các Sở, ban ngành, địa phương, các cơ sở GDNN, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo BTC, Hội thảo này làm tiền đề cho việc xây dựng và hình thành cơ chế hợp tác các bên trong GDNN, góp phần phát triển mạnh mẽ GDNN, qua đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, đây còn là diễn đàn trao đổi giữa các cơ sở GDNN, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị hữu quan, cùng tìm ra các giải pháp đột phá nhằm tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, cơ quản quản lý trong việc chọn lựa ngành, nghề, nhóm nghề có thế mạnh để đào tạo đáp ứng nhu cầu và cung ứng nguồn lao động cho xã hội.
Hội thảo này còn là một bước quan trọng cho nghiên cứu các vấn đề triển khai việc thành lập Hội đồng GDNN ở cấp cơ sở để hướng đến hình thành các chính sách liên quan trong phát triển GDNN ở tầm quốc gia.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong những năm qua, công tác đào tạo nhân lực nói chung, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nói riêng đã có những chuyển biến rõ nét và mang tính đột phá nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 thì chất lượng lao động là vấn đề lớn với Thừa Thiên Huế. Do đó, việc ứng dụng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bắt đầu ngay từ khâu đào tạo nghề.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận có trọng tâm, trọng điểm, xoáy sâu vào những nội dung chính cần làm sáng tỏ, tạo nên sự thống nhất hợp tác bền vững hiệu quả trong tương lai. Các vấn đề được quan tâm, như: mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường trong hoạt động GDNN. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường là mối liên kết chặt chẽ không thể thiếu trong GDNN hiện nay. Việc đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp tại địa phương phải được hình thành và vận hành tốt bằng nhiều hình thức. Nghiên cứu chương trình phát triển nguồn nhân lực là một trong 6 chương trình trọng điểm của cả giai đoạn mới, dựa trên phát triển các ngành lĩnh vực.
Ông Dương Tuấn Anh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định, đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động là xu hướng tất yếu trong cơ chế thị trường, nhằm mang lại lợi ích cho cả cơ sở GDNN, học viên và thị trường lao động, giúp đào tạo đúng trọng tâm, nâng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Sự gắn kết này sẽ hiệu quả hơn khi trường nghề xác định rõ đào tạo những gì thị trường lao động đang có nhu cầu.
Để tăng cường sự hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo, ông Tuấn Anh cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế cần thúc đẩy triển khai cơ chế 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp; đầu tư nâng cao chất lượng cũng như phát triển thêm các chuyên ngành đào tạo tại các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề, các Trường Đại học với sự tham gia, hợp tác trong đào tạo của các doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế; đổi mới quản lý nhà nước để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo giáo GDNN. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tham khảo nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp để xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, của từng giai đoạn phát triển, đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại, thực hiện phương châm đào tạo những gì xã hội cần, không phải đào tạo những gì nhà trường có; đồng thời cần bổ sung vào Chương trình đào tạo các khoá đào tạo về kỷ luật, tác phong làm việc công nghiệp, văn hoá giao tiếp nơi công sở, kỹ năng giao tiếp với người nước ngoài...
Từ thực trạng GDNN trên địa bàn tỉnh hiện nay, TS. Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, để GDNN tạo ra nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030, địa phương này cần phải có nhiều giải pháp căn cơ hơn nữa. Theo ông Cường, Thừa Thiên Huế cần sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn theo hướng mở, mở rộng các chương trình đào tạo, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, liên kết vùng và hợp tác quốc tế trong GDNN. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần phải thúc đẩy chuyển đổi số cho GDNN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện xã hội hoá, hợp tác phát triển doanh nghiệp đào tạo tại chỗ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đại diện của Chương trình TVET-GIZ thì nhận định, sự tham gia cả doanh nghiệp trong GDNN là yếu tố thành công và then chốt cho một hệ thống GDNN định hướng theo nhu cầu thị trường, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất của nền kinh tế cũng như cải thiện phúc lợi. Khi có sự phối hợp trong đào tạo, các bên sẽ cùng nhau xây dựng, chuẩn bị và cùng triển khai chương trình đào tạo; cùng đánh giá sinh viên tốt nghiệp; chương trình đào tạo linh hoạt dựa trên nhu cầu. Đào tạo phối hợp với thời lượng đào tạo nhiều hơn tại doanh nghiệp sẽ bảo đảm sinh viên tốt nghiệp có đầy đủ kỹ năng cứng và mềm cho yêu cầu của công việc. Sinh viên khi tốt nghiệp cũng có cơ hội bắt đầu việc làm cao hơn tại doanh nghiệp nơi họ được đào tạo.
Các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về thành lập Hội đồng GDNN cấp tỉnh; tiểu ban tư vấn các ngành nghề trọng điểm đến năm 2025, mở rộng cho các nghề/nhóm nghề khác trong giai đoạn tiếp theo,…Đây là nhiệm vụ quan trọng trong giải pháp gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động, góp phần phát triển GDNN hiệu quả, bền vững và nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.