Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN Trương Anh Dũng và Tham tán phụ trách phát triển, ĐSQ CHLB Đức Sebastian Paust đồng chủ trì Hội thảo với sự hỗ trợ của Chương trình Đổi mới GDNN Việt Nam.
Sự kiện là diễn đàn thường niên nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật thông tin về những ưu tiên, định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Tổng cục với các đối tác phát triển về lĩnh vực GDNN Việt Nam. Việc chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp được xem là giải pháp cốt lõi để tăng khả năng thích ứng trong thế giới việc làm đang thay đổi và tăng trưởng GDP bền vững. Với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế, hội thảo đã nghe và thảo luận các nội dung như: GDNN trước tác động CMCN 4.0; chuyển đổi số và tiếp cận chiến lược trong GDNN; đào tạo kỹ năng và phát triển nhân lực số; kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi số; Dự báo nhu cầu kỹ năng tương lai;…
Phát biểu tại hội thảo, TS Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng ngồn nhân lực trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, kinh tế tri thức và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng cũng không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới và phải hành động rất khẩn trương nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại. Gần đây nhất, ngày 28/5/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về "Đẩy mạnh và phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới". Theo đó, tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, khởi nghiệp và ngoại ngữ,… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN – 4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20. "Trong những định hướng và giải pháp để đạt được mục tiêu này, vấn đề quyết định chính là nhận thức, đặt người lao động là trung tâm, thể chế, công nghệ là động lực, nền tảng số là đột phá, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các bên liên quan." – TS Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Ông Sebastian Paust, Tham tán phụ trách phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam chia sẻ: Theo ước tính của Ngân hàng trung ương châu Âu chuyển đổi số và dịch covid-19 sẽ làm mất khoảng 85 triệu việc làm ở các nước đang phát triển, tuy nhiên nó cũng tạo ra tới 97 triệu việc làm mới trong khu vực các nước giành chiến thắng dịch Covid-19 và chuyển đổi số thành công. GDNN là một lĩnh vực sẽ giúp Việt Nam có thể tăng trưởng GDP bền vững, do đó rất cần những phương thức giảng dạy, đào tạo mới để có thể chuyển đổi số. Các chuẩn đầu ra, chuẩn nghề nghiệp cần phải được điều chỉnh để tăng khả năng thích ứng, phù hợp với nhu cầu trong thế giới việc làm đang thay đổi. Đại dịch covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đòi hỏi GDNN nhiều hơn trong việc chống chịu, ứng phó với những diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với thách thức về bẫy thu nhập trung bình và tốc độ già hóa dân số. Những thách thức này chỉ có thể xử lý được khi tăng được khả năng sáng tạo và năng lực cạnh tranh. Kết nối số sẽ giúp cho việc tiếp cận kiến thức và phát triển trình độ người lao động, vì vậy cơ chế chính sách cần tạo ra những điều kiện thuận lợi để tạo ra nguồn tư liệu số, thu hẹp khoảng cách về tiếp cận GDNN.
Ông Sebastian Paust, Tham tán phụ trách phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho rằng: Có thể nói Việt Nam là "nhà vô địch" trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19, đây là điểm tích cực và thành công trong chính sách về phản ứng y tế của Chính phủ và người dân Việt Nam. Đại dịch ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, doanh nghiệp và cách thức giao tiếp hàng ngày trên toàn thế giới, trong bối cảnh này, chuyển đổi số ngày càng có tác động sâu rộng hơn đối với các nền kinh tế.
Ông Nguyễn Nhật Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), thành viên Tổ xây dựng Đề án Chuyển đổi số Tổng Cục GDNN tham luận về chủ đề "Chuyển đổi số và Tiếp cận chiến lược trong lĩnh vực GDNN". Ông Quang cho rằng cần phải đổi mới nội dung đào tạo nhằm cải thiện khả năng thích ứng với tương lai số; chuyển mạnh sang đào tạo theo kỹ năng, cải thiện hội nhập quốc tế và tăng khả năng đáp ứng nhu cầu thay đổi nhanh của thị trường lao động, bổ sung năng lực số vào các kỹ năng truyền thống, bổ sung các kỹ năng mới liên quan đến công nghệ số.
TS Trương Anh Dũng nhấn mạnh: Khi nói đến kinh tế số, có thể hình dung nó được vận hành bởi công nghệ số, đặc biệt là giao dịch điện tử được tiến hành thông qua Internet,… Cơ chế vận hành và phương thức sản xuất mới tất yếu dẫn đến nhu cầu về lực lượng lao động mới, đây là nhân tố quyết định. Nguồn nhân lực trong nền kinh tế số không chỉ là lực lượng lao động hiện tại đang làm việc, mà bao gồm cả lực lượng lao động tương lai và những thành phần khác có thể tham gia vào lực lượng lao động.
Kinh tế số đã trở thành tất yếu đối với tất cả các quốc gia, Việt Nam cũng đã chính thức phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 20% tỷ trọng GDP, năng suất lao động bình quân sẽ tăng trên 7%/năm, để có thể vào nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo.