Len lỏi vào trường học
Thuốc lá điện tử được ví như "cạm bẫy hương vị" khi đánh trúng tâm lý thích thể hiện cái tôi của tuổi mới lớn. Sự mới lạ với những dụng cụ bắt mắt đã nhanh chóng được học sinh đón nhận và khám phá mà không tính đến những tác hại. Nguy hiểm hơn, thuốc lá điện tử còn len lỏi vào trường học bằng cách giả dạng son môi, USB, bút... với nhiều hương vị khác nhau để tránh bị phát hiện.
Hình ảnh học sinh "nhả khói" không chỉ còn xuất hiện ở các quán nước vỉa hè mà thậm chí ngay trong trường học. Một học sinh THPT khi được hỏi tại sao dùng thuốc lá điện tử đã không ngần ngại trả lời: "Em theo dõi trên mạng thấy "Tây" hút nhiều, thấy hay hay thì sử dụng. Có người bảo thuốc lá điện tử có hại nhưng cũng có người bảo chả sao"?! Một học sinh khác khẳng định "thuốc lá điện tử đang là trend (xu hướng) trong giới học sinh hiện nay". Không hiếm bạn trẻ viện lý do "không ảnh hưởng đến người xung quanh", "hút cho thơm miệng", "giúp cai thuốc lá truyền thống hiệu quả" khi hút thứ độc hại này.
Tuấn Thành - học sinh THPT ở Hà Nội cho biết: "Lúc đầu, em thử vì tò mò, dùng dần thấy quen. Hôm nào không dùng thì có cảm giác thiếu thiếu, khó chịu trong người. Lớp em bây giờ có nhiều bạn hút, con gái cũng hút. Giám thị kiểm tra nhưng tụi em vẫn lén hút hút. ".
"Các bạn nam dùng loại có hình dáng bút bi, vuông vuông nho nhỏ như bút dạ quang, USB; còn các bạn nữ thường dùng các loại như thỏi son. Vị thì rất nhiều, chủ yếu là vị trái cây như: Cam, xoài, dưa hấu, mâm xôi, trà chanh…", một học sinh nữ THPT ở Hà Nội cho biết.
Những nguy hại khôn lường
Chỉ với 120.000 - 150.000 đồng, học sinh dễ dàng sở hữu một "phiên bản" thuốc lá điện tử với đủ hình dạng có thể mang vào lớp, bỏ ngay trên bàn học mà không bị phát hiện. Thực tế không ít trường hợp học sinh bị sốc khi hút thuốc lá điện tử. Gần đây nhất, Ban giám hiệu Trường THCS Đà Nẵng, TP Hải Phòng đã phải áp dụng hình thức kỷ luật tạm đình chỉ học tập đối với 2 học sinh lớp 8 do có hành vi sử dụng thuốc lá điện tử tại trường khiến một em bị ngất phải nhập viện cấp cứu.
Tác hại của thuốc lá điện tử đã được cảnh báo rất nhiều và hầu hết sản phẩm này trên thị trường được khảo sát là không rõ nguồn gốc xuất xứ và không được phân phối qua các kênh chính thống. Thế nhưng, qua những lời quảng cáo có cánh của người bán, giới trẻ, đặc biệt là học sinh vẫn thản nhiên phì phèo khói thuốc và coi đó như một "trào lưu thời thượng" mà bỏ quên những nguy hại khôn lường.
Ths Nguyễn Hạnh Nguyên (Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam) cho biết, những sản phẩm thuốc lá này chứa rất nhiều độc chất, như: Nicotine có hại cho sự phát triển não bộ của người vị thành niên; focmaldehit hay axetaldehit gây ung thư. Ngoài ra, thuốc lá điện tử cũng đã được chứng minh gây ra hàng loạt bệnh lý nghiêm trọng về tim mạch, hô hấp, điển hình nhất là tổn thương phổi cấp tính.
Theo Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thuốc lá điện tử đang dẫn đường cho ma túy tổng hợp xâm nhập vào giới trẻ. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã nhận được đề nghị giám định nhiều mẫu dung dịch thuốc lá điện tử do phụ huynh hoặc nhà trường mang đến. Kết quả cho thấy, trong những dung dịch này đều chứa chất hướng thần, gây ảo giác và kích thích thần kinh rất mạnh. Các đối tượng tội phạm đã pha ma túy tổng hợp vào dung dịch thuốc lá điện tử khiến những người sử dụng phải lệ thuộc vào thuốc, nghiện ngập.
Ths Cao Thanh Nga, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho biết, nội dung tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng đã được đưa vào chương trình giáo dục tại các bậc THCS, THPT dưới nhiều hình thức đa dạng. Mặc dù vậy, do tâm lý tuổi học trò muốn tìm hiểu, khám phá điều mới, không ít học sinh cấp II, III vẫn muốn "trải nghiệm" dù biết tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử. "Các bậc phụ huynh nếu thấy những lọ tinh dầu, mùi thơm khác lạ trong phòng của các con hoặc trên quần áo, sách vở thì cần có biện pháp kiểm tra, phát hiện và kịp thời nhắc nhở", Ths Cao Thanh Nga lưu ý.