Giáo dục và Tiền thường là hai việc mâu thuẫn hoặc không tiện nói với nhau. Khi được nêu ra với nhau thì mọi người đều có vẻ cảm thấy ngượng ngùng hoặc không thoải mái.
Trong các lĩnh vực kinh doanh, mọi người đều có thể khoe về lợi nhuận của mình ngoại trừ lĩnh vực giáo dục. Bản chất giáo dục có tính thị trường hay không cũng đang được tranh luận. Bài viết này sẽ đưa quan điểm nhìn từ vĩ mô xuống vi mô.
Các quốc gia nào bắt buộc phải phát triển giáo dục tư nhân?
Cơ cấu dân số đóng góp phần quan trọng trong việc định hình tính thị trường của giáo dục. Với các quốc gia có cơ cấu dân số phụ thuộc trẻ (tỷ lệ người dưới 18 tuổi) ở mức cao thì chi phí xã hội dành cho giáo dục cũng sẽ phải cao hơn.
Trong khi những quốc gia có tỷ lệ phụ thuộc trẻ thấp thì ngân sách quốc gia có thể lo được hầu hết cho các đối tượng này thì tại quốc gia có mức phụ thuộc trẻ cao sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Nếu như giả định là mức tối ưu để ngân sách phục vụ tốt nhất cho giáo dục là 25% (mức của Phần Lan) thì giáo dục sẽ không phải là gánh nặng ngân sách của các quốc gia như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản hay kể cả là Trung Quốc và Thái Lan.
Việt Nam sẽ thiếu hụt cỡ khoảng 20% nguồn lực để đáp ứng được mức chi phí tương đồng với Trung Quốc và Thái Lan nếu chỉ dựa theo tỷ lệ phần trăm GDP. Trong khi đó, các quốc gia như Philippines, Lào, Campuchia sẽ thiếu hụt lên tới 50%, Indonesia và Ấn Độ là khoảng 40%.
Một ví dụ thú vị khác là Singapore trước đây có thị trường giáo dục tư thục khá phát triển. Nhưng sau quá trình giảm tỷ lệ sinh, các trường công lập được đầu tư tốt hơn và có khả năng cung ứng dịch vụ cho toàn bộ thị trường, giáo dục tư thục đã dần mất thị phần và phải đóng cửa hàng loạt.
Đây có thể là con số gợi ý cho việc hình thành thị trường giáo dục tư nhân để đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, tại các quốc gia như Philippines, Campuchia hay Indonesia, các trường tư chiếm lĩnh một phần lớn thị phần về giáo dục và đào tạo. Các trường tư tại đây phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự thiếu hụt dịch vụ do giáo dục công lập cung ứng.
Với thực tế hiện nay, Việt Nam chỉ có 2 lựa chọn. Một là duy trì tỷ lệ giáo dục công lập cao và mức đầu tư bình quân thấp. Hai là cần đẩy nhanh quá trình phát triển giáo dục tư thục để gánh vác tối thiểu 20% nhu cầu xã hội để đủ nguồn lực nâng cao mức đầu tư cho giáo dục.
Thực tế là khi kinh tế phát triển và việc hội nhập tăng cao, nhu cầu giáo dục chất lượng cao cũng gia tăng tương ứng. Nếu như theo thống kê của Bộ GD&ĐT năm 2011 có khoảng 60.000 học sinh – sinh viên Việt Nam du học thì đến năm 2016, con số này đã là 130.000 sinh viên. Tức là tăng hơn gấp đôi sau 5 năm.
Những con số này cho thấy nếu không đầu tư đủ tốt cho giáo dục nói chung thì việc du học để tìm kiếm môi trường học tập tốt hơn sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn và xu hướng ngày càng sớm.
Giáo dục tư thục – liệu có chiếm dần vị thế?
Theo thông lệ chung của thế giới, các trường tinh hoa và tiên tiến thường nằm ở khối trường tư thục. Quá trình biến động này cũng được ghi nhận tương tự tại Việt Nam và diễn ra chủ yếu ở các thành phố lớn. Đi đầu là hệ thống các trường mầm non.
Theo thống kê, số lượng trường mầm non tư thục hiện đã chiếm trên 50% tổng số trường và học sinh tại các thành phố như Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Nếu như trước đây, các phụ huynh Hà Nội tìm mọi cách để cho con vào các trường mầm non công lập uy tín như Việt Triều, Mầm non 10/10 thì ngày nay các trường tư thục chiếm ưu thế hơn hẳn với rất nhiều cái tên khác nhau.
Nhờ thị trường tư thục phát triển, các loại hình mầm non tiên tiến cũng được đưa vào áp dụng tại Việt Nam như các phương pháp Montessori, Steiner hay các phương pháp của Nhật. Sự đa dạng của nhu cầu cùng với sự nhường bước của giáo dục mầm non công lập đã giúp cho hình thành một thị trường mầm non sôi động và hiệu quả.
Khối các trường tiểu học tại Hà Nội cũng đã bắt đầu có sự thay đổ rõ rệt. Thay vì rất vất vả để vào các trường công lập tốt nổi tiếng như Tràng An, Thăng Long, Lê Ngọc Hân thì giờ đây các trường tiểu học tốt đã là các trường tư thục như Đoàn Thị Điểm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Siêu, Ngôi Sao, Ban Mai …
Trường người giàu - người nghèo
Thực tế khi xã hội ngày càng phân hoá thì giáo dục phổ thông hay đại học đều không phải ngoại lệ. Bên cạnh các trường công lập học phí chỉ vài trăm ngàn mỗi tháng thì có những trường quốc tế mà học phí mỗi tháng lên tới hàng chục triệu. Tức là gấp 100 lần trường công.
Điều này mang đến cả những vấn đề tích cực và hạn chế. Điều hạn chế lớn nhất là tạo ra cơ hội giáo dục bất bình đẳng giữa những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế và những đứa trẻ kém may mắn hơn ở các gia đình khó khăn.
Tuy nhiên, các trường quốc tế này đã góp phần cung cấp một nhu cầu có thật rất lớn trong xã hội của những gia đình khá giả. Hơn nữa, nhờ có hệ thống các trường quốc tế này mà các chuyên gia nước ngoài có thể yên tâm làm việc ở Việt Nam.
Nếu không có những dịch vụ y tế và giáo dục chất lượng cao, rất khó để những chuyên gia nước ngoài gắn bó lâu dài tại Việt Nam. Việc một lượng lớn học sinh đã và đang theo học trường tư thục cũng góp phần giảm tải cho các trường công lập, đặc biệt tại các thành phố như Hà Nội và Tp.HCM là những nơi có tỷ lệ di dân cao và các trường công lập phát triển không theo kịp nhu cầu thực tế.
Quản lý sự đa dạng và mâu thuẫn
Những mâu thuẫn gần đây xẩy ra ở một số trường tư tại Hà Nội đã cho thấy một vấn đề khác của sự phát triển. Đó là tại những ngôi trường này, việc áp dụng hay thay đổi chính sách chỉ phụ thuộc ở nhà trường liệu có hợp lý. Một chính sách thay đổi học phí có thể khiến hầu hết phụ huynh cảm thấy không chấp nhận được hoặc triết lý giáo dục hà khắc có phần phản giáo dục của một trường phổ thông lâu đời.
Ở phía ngược lại, vụ lùm xùm về thức ăn tại trường Đoàn Thị ĐIểm Ecopark lại do phụ huynh tạo những áp lực lớn lên trường học. Phụ huynh mất niềm tin vào việc cung cấp thức ăn đã can thiệp thô bạo vào việc điều hành trường làm mất đi tính thống nhất của hoạt động trường.
Sau 20 năm phát triển giáo dục phổ thông tư thục, thị trường đã cho thấy sự đa dạng trong cả những giá trị và cả những vấn đề mà nó mang lại. Trong khi đó, chắc chắn các khung pháp lý không thể và cũng không nên can thiệp quá sâu vào việc triết lý và vận hành trường.
Tuy nhiên, nếu một trường phát triển những mô hình đào tạo lệch lạc, phản giáo dục nhưng vẫn được sự ủng hộ của một bộ phận phụ huynh thì nên được xử lý như thế nào? Nếu một trường tư thục thay đổi chiến lược phát triển hoặc đứng trước một yêu cầu bắt buộc phải thay đổi mà không được sự đồng tình của phụ huynh thì nên được xử lý ra sao?
Cơ chế Hiệp hội bảo vệ quyền lợi
Đối với quan hệ giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh trong nhà trường, có lẽ cơ chế Hiệp hội bảo vệ quyền lợi là phù hợp nhất. Với sự trung gian của một Hiệp hội, các mâu thuẫn giữa các bên sẽ được đánh giá bởi các chuyên gia có kinh nghiệm.
Điều này sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc tự tranh luận và thoả hiệp của cả hai bên đều thiếu thông tin và các kiến thức chuyên gia. Vị trí này cũng giống như vai trò của các luật sư trong vai trò giải quyết các tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, đặc thù ngành giáo dục sẽ có nhiều vấn đề hơn liên quan đến chuyên môn.