Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tân – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lịch nghỉ học của học sinh đã bị kéo dài từ giữa tháng 1/2020 đến nay. Điều đó đã gây rất nhiều khó khăn cho việc hoàn thành năm học của học sinh các cấp, đặc biệt là các lớp cuối cấp, gồm: Khối lớp 5, 9 và 12.
Trước thực trạng đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được UBND tỉnh cho phép tổ chức ôn tập kiến thức, dạy học trên sóng truyền hình cho học sinh khối 9 và 12 để đảm bảo đủ kiến thức cho học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và tuyển sinh vào 10 năm học 2020 – 2021. Sau hơn 1 tháng triển khai, hiện việc dạy học trên truyền hình tại Thừa Thiên - Huế được đông đảo người dân, phụ huynh học sinh đón nhận tích cực và đã được đã Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn phát sóng dạy học toàn quốc.
Theo ông Tân, Thừa Thiên – Huế cùng 2 địa phương khác (gồm Hà Nội và Hải Phòng) là những địa phương đã sớm triển khai tổ chức ôn tập kiến thức, dạy học qua sóng truyền hình cho học sinh khối 12 (bắt đầu từ ngày 13/3). Hiện, Thừa Thiên - Huế đã dạy đến tuần 27 trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (TRT); trong khi đó, toàn quốc thì đang bắt đầu áp dụng đến tuần 22 trên VTV7.
Thừa Thiên - Huế đang triển khai dạy học cho học sinh khối 12 toàn bộ 9 môn cơ bản là: Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Giáo dục công dân; khối lớp 9 gồm 3 môn cơ bản để thi vào lớp 10: Toán, Văn, Ngoại ngữ, với thời lượng mỗi môn 2 tiết/tuần; mỗi tiết dạy từ 30 - 35 phút. Riêng khối lớp 5 bắt đầu triển khai dạy từ tuần này.
Ông Tân cho rằng, Thừa Thiên - Huế lựa chọn hình thức dạy học qua truyền hình với mong muốn tất cả học sinh được có cơ hội học tập, bởi lẽ đây là hình thức dạy học truyền thống, đơn giản và hiệu quả do đã thực hiện thành công trong các chương trình đào tạo từ xa. Nó cũng phù hợp với thực tế vì nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa chưa có hạ tầng về internet nên khó học theo hình thức online qua mạng.
Trong quá trình thực hiện, ngành Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên – Huế cũng đã nghiên cứu tất cả những rào cản khó khăn và chủ động xây dựng các phương án khắc phục như: Việc học sinh không tương tác được với giáo viên qua chương trình dạy học truyền hình, giáo viên ngại khi lên sóng truyền hình, học sinh một số vùng không tiếp được sóng truyền hình… Về hạn chế của sự tương tác, ngành đã yêu cầu tất cả các giáo viên bộ môn của các nhà trường đều tham gia theo dõi bài học qua truyền hình và tổ chức các lớp học trên các phần mềm để trao đổi những thắc mắc của học sinh cũng như bổ sung những nội dung phù hợp với tình hình học sinh trường mình. Trường Quốc Học không thực hiện chương trình này nên giao trách nhiệm cho nhà trường chủ động xây dựng một chương trình học trực tuyến riêng biệt với chương trình nâng cao phù hợp với điều kiện trường chuyên.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên – Huế cho biết, với việc sớm triển khai dạy học qua sóng truyền hình và tổ chức dạy có chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tuyển chọn các bài giảng của thầy cô giáo Thừa Thiên - Huế vào chương trình phát sóng dạy học chung cho học sinh toàn quốc trên sóng truyền hình quốc gia VTV7 mỗi ngày.
Về kế hoạch lâu dài, khi học sinh trở lại học bình thường, các trường tại Thừa Thiên – Huế sẽ tiếp tục thực hiện các bài giảng dạy ở trường theo đúng chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện dạy bằng các bài ôn tập trên truyền hình đến ngày học sinh vào phòng thi. Riêng số ít các em chưa có điều kiện để học chương trình truyền hình (theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạoThừa Thiên – Huế là khoảng 10%), khi học sinh trở lại trường, lãnh đạo các nhà trường phải có chương trình ôn tập riêng, với nguyên tắc là tuyệt đối không để một em học sinh nào phải bỏ học vì lí do không được học trong thời gian phải ở nhà dài ngày do không có điều kiện.