Theo dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, chính quyền địa phương ở quận, phường tại TP Hải Phòng là UBND quận, phường và là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường (không tổ chức HĐND quận, phường).
Khi tổ chức chính quyền địa phương sẽ chuyển các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận và HĐND phường thực hiện trước đây sang HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng. Đồng thời bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan này tương tự TPHCM và Đà Nẵng đang thực hiện để đảm bảo phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền đô thị.
Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND TP, dự thảo Nghị quyết quy định tăng 9 đại biểu chuyên trách so với hiện nay, gồm 1 Phó Chủ tịch HĐND, 4 Phó Trưởng ban và 4 Ủy viên hoạt động chuyên trách thuộc các ban của HĐND TP.
Theo tờ trình, hiện Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập TP Thủy Nguyên thuộc TP Hải Phòng có diện tích hơn 269km2, quy mô dân số gần 398.000 người, chiếm 16,34% dân số của TP Hải Phòng. Dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng tăng thêm 1 Phó Chủ tịch HĐND, 1 Phó Chủ tịch UBND và thành lập ban đô thị của HĐND TP Thủy Nguyên.
Về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, thành phố này có diện tích gần 5.000 km2 và khoảng 1,2 triệu dân. Thành phố có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã và 4 huyện), 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn).
Sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết thành lập quận Thuận Hóa, quận Phú Xuân, thị xã Phong Điền và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác thuộc TP Huế trực thuộc Trung ương.
Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn
Thảo luận ở tổ về chủ trương thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, nội dung này đã có quá trình chuẩn bị từ trước, Trung ương cũng đã bàn bạc, xem xét.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải căn cứ, đối chiếu vào tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương. Nếu đủ các tiêu chí mới quyết định thành lập chứ không nói về cảm xúc.
Theo Tổng Bí thư, thành phố trực thuộc Trung ương phải có triển vọng phát triển. Đầu tư cho thành phố là đầu tư cực tăng trưởng của khu vực, phải nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc biệt. Vì thành phố là cực tăng trưởng nên phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, thu chi ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội…
Khi đầu tư cho thành phố là đầu tư vào cực tăng trưởng của khu vực, không thể tạo thành gánh nặng. Không để lên thành phố nhưng người dân nông thôn thấy thiệt hơn. Về mặt xã hội, nếu người dân cứ ùn ùn kéo về thành phố thì xử lý thế nào? Đây là áp lực rất lớn cần giải quyết.
"Huế rất xứng đáng lên thành phố nhưng cũng phải chia sẻ với những khó khăn mà Huế phải đối mặt, vượt qua", Tổng Bí thư nói và cho biết có nhiều tỉnh khác cũng đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Với những địa phương muốn phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Bí thư lưu ý phải căn cứ vào tiêu chí từ quy hoạch, dân số, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa... đều đã có quy định.
Về tổ chức chính quyền đô thị TP Hải Phòng, Tổng Bí thư cho biết, nhiều đại biểu băn khoăn liên quan cơ chế chính quyền đô thị thế nào? Cơ chế bộ máy quản lý nhà nước làm sao cho hiệu lực, hiệu quả? Ông lưu ý, đây là vấn đề rất lớn và đang tập trung bàn để tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy; không hình thức mà phải đúng thực chất.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, từ Đại hội XII, Nghị quyết của Trung ương đã đánh giá bộ máy nhà nước cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, phải sắp xếp, tinh gọn. Hiện nay mới sáp nhập từ dưới lên như xã, huyện còn tỉnh chưa làm; mới thực hiện sắp xếp ở một số vụ, cục, tổng cục của bộ, ngành còn Trung ương chưa làm.
"Trung ương mà gọn được thì tỉnh sẽ gọn. Cách thức phải như thế nào và đây là vấn đề rất lớn, sắp tới phải bàn", Tổng Bí thư nói, đồng thời nhấn mạnh, tới đây Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu. "Không tinh gọn bộ máy không phát triển được”.
Dẫn chứng ngân sách đang chi khoảng 70% để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho hoạt động, Tổng Bí thư cho rằng, nếu điều hành ngân sách như vậy sẽ không còn tiền chi cho đầu tư phát triển.
"Đất nước muốn phát triển được, muốn làm dự án này, dự án kia thì tiền ở đâu? Nuôi nhau hết thì còn đâu tiền nữa. Còn 30% thì tiền đâu để đầu tư quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Trong khi các nước khác chi hơn 40%. Ít nhất chúng ta phải có trên 50% ngân sách để phục vụ cho phát triển, cho quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, an sinh xã hội...", Tổng Bí thư nói.
Lý giải vì sao không thể tăng lương, Tổng Bí thư cho rằng, tăng lương trong khi bộ máy khổng lồ sẽ lên đến 80 - 90% chi ngân sách, sẽ không còn tiền để đầu tư các hoạt động khác. "Phải tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, giảm chi tiêu thường xuyên để dành nguồn lực đầu tư phát triển. Bộ máy cồng kềnh khó khăn lắm, kìm hãm sự phát triển”.
Phải tăng năng suất lao động
Một chỉ tiêu khác theo Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhiệm kỳ này khó đạt được là vấn đề năng suất lao động. Hiện kinh tế có phát triển lên nhưng năng suất lao động thực tế đang giảm.
"Nếu năng suất lao động giảm không thể phát triển kinh tế - xã hội được. Ngay với chúng ta so với thời gian trước cũng đang giảm. Mình dám thẳng thắn nhìn nhận để đánh giá cho chính xác", Tổng Bí thư nói và dẫn chứng chỉ số về tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam giảm dần, thấp hơn nhiều nước trong khu vực.
Theo Tổng Bí thư, muốn tăng năng suất lao động thì lao động phải có tay nghề, ít người làm một việc và phải có hàm lượng khoa học công nghệ, cách thức quản lý tốt.
Tổng Bí thư cũng nhắc lại Kỷ nguyên vươn mình mà ông hay nhắc đến là phải bứt tốc năng lực với mục tiêu đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao. Tuy nhiên, nếu như hiện nay nhiều khả năng khó hoàn thành. Bởi còn 20 năm nữa và quy mô nền kinh tế khi đó phải gấp 3 lần bây giờ, thu nhập bình quân đầu người cũng phải gấp 3 lần mới đạt mục tiêu.
"Còn bây giờ cứ như thế này làm sao gấp được 3 lần. Nếu không làm được sẽ rất khó khăn. Đây là những việc phải bàn, phải thấy rõ những khó khăn để tránh xa, vượt lên để phát triển”.
Theo Tổng Bí thư, nếu tăng năng suất lao động sẽ khuyến khích giảm giờ làm. Trước đây làm 48 tiếng, tuần 6 ngày, giảm xuống 5 ngày, nhân dân phấn khởi. Nếu năng suất lao động tăng sẽ đặt mục tiêu một tuần làm 35 tiếng, làm 4,5 ngày. Nếu làm được như vậy thì nhân dân sẽ rất phấn khởi.
“Cuộc sống người ta phải thụ hưởng, phải hạnh phúc, dành nhiều thời gian cho những việc khác nữa”.
Tổng Bí thư và Chủ tịch nước chuyển sinh hoạt đoàn đại biểu Quốc hội Ngày 31/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành hai nghị quyết về việc chuyển sinh hoạt đoàn đại biểu Quốc hội đối với Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường. Theo đó, Tổng Bí thư Tô Lâm chuyển sinh hoạt từ đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên sang đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Chủ tịch nước Lương Cường chuyển sinh hoạt từ đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa sang đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, việc ban hành hai nghị quyết trên căn cứ vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII về công tác cán bộ và kết quả bầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; Kết luận của Bộ Chính trị về việc giới thiệu các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII ứng cử đại biểu Quốc hội tại Công văn số 11844 ngày 25/10 của Văn phòng Trung ương Đảng. |
C.Giang
Báo Lao động và Xã hội số 132