Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp làm việc với đoàn công tác của Bộ Kinh tế, Hạ tầng, Du lịch và Lao động, Bang Mecklenburg-Vorpommern, CHLB Đức

Tại trụ sở Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Phạm Vũ Quốc Bình đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Kinh tế, Hạ tầng, Du lịch và Lao động, Bang Mecklenburg-Vorpommern, CHLB Đức do TS. Stefan Rudolph, nguyên Quốc vụ khanh, Tổng điều hành Hội doanh nghiệp Vorpommern làm Trưởng đoàn, ngày 17/5. Tham dự buổi làm việc có Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng, Cố vấn Bộ Kinh tế, Hạ tầng, Du lịch và Lao động cùng đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước và các đơn vị liên quan của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Cũng tại buổi làm việc, hai bên trao đổi sơ bộ một số vấn đề về thủ tục đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài cũng như việc tiếp nhận lao động Việt Nam nhập cư vào Đức theo các quy định hiện hành của hai nước.

Cũng tại buổi làm việc, hai bên trao đổi sơ bộ một số vấn đề về thủ tục đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài cũng như việc tiếp nhận lao động Việt Nam nhập cư vào Đức theo các quy định hiện hành của hai nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Phạm Vũ Quốc Bình cho biết, thiếu hụt nhân lực là vấn đề đặt ra đối với các quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng và đó chính là lợi thế để phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như thúc đẩy việc hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng.

Ông Stefan Rudolph cho biết, CHLB Đức nói chung và Bang Mecklenburg-Vorpommern đang có nhu cầu lớn về lao động đối với một số ngành, nghề và mong muốn được hợp tác với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các đơn vị liên quan trong Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc đưa sinh viên học nghề sau tốt nghiệp sang làm việc tại Đức theo hợp đồng dài hạn cũng như theo hợp đồng thời vụ.

Trước sự quan tâm của ông Stefan Rudolph, TS. Phạm Vũ Quốc Bình đã chia sẻ những thông tin cơ bản về việc đào tạo thí điểm 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế chuyển giao từ Đức cũng như việc triển khai Chương trình “Cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp và di cư lao động định hướng phát triển” (Chương trình PAM) do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu cung cấp lao động có tay nghề cho thị trường lao động Đức nói riêng và thị trường quốc tế nói chung. Hơn 1.000 sinh viên sau khi tốt nghiệp các chương trình chuyển giao của Đức sẽ là nguồn lao động tiềm năng không chỉ đối với các doanh nghiệp thuộc Bang Mecklenburg-Vorpommern mà còn với cả các doanh nghiệp trên toàn nước Đức.

Kết thúc buổi làm việc, TS. Phạm Vũ Quốc Bình đánh giá cao sự quan tâm của Bang Mecklenburg-Vorpommern đối với lực lượng lao động có tay nghề của Việt Nam và mong muốn trong thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục có những buổi làm việc để trao đổi cụ thể về các nội dung hợp tác. Trước mắt, phía bạn sẽ cung cấp những thông tin và nhu cầu lao động đối với từng ngành, nghề trong số các nghề chuyển giao mà Tổng cục đang tổ chức đào tạo thí điểm để Tổng cục xem xét và đánh giá khả năng đáp ứng của các trường tham gia thí điểm. TS. Phạm Vũ Quốc Bình đặc biệt mong muốn 2 bên có thể xây dựng 1 chương trình hợp tác về kết nối lao động – việc làm giữa Tổng cục GDNN và Hiệp hội doanh nghiệp Bang Mecklenburg-Vorpommern nhằm thúc đẩy việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Đức một cách an toàn, hợp pháp.