Theo đó, mức đề xuất hỗ trợ cho năm thứ hai, thứ ba lần lượt bằng 70%, 50% lương cơ sở mỗi tháng. Từ năm thứ tư, chế độ tiền lương được thực hiện theo quy định hiện hành. Ngoài giáo viên, chính sách này cũng được đề xuất áp dụng cho nhân viên văn thư, kế toán, y tế, thư viện. Trước đó, từ năm 2021, giáo viên mầm non mới được tuyển dụng đã được hưởng chỉnh sách tương tự.
Hiện TP HCM thiếu hơn 3.600 giáo viên tiểu học nhưng công tác tuyển dụng gặp khó khăn. Ba năm qua, số giáo viên được tuyển dụng ở các môn Mỹ thuật, Tin học chỉ khoảng 10% so với chỉ tiêu. Việc tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ cũng chỉ được khoảng 25% so với nhu cầu.
Được biết, thu nhập của giáo viên tiểu học mới ra trường khoảng 3,3 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt tối thiểu của mỗi người dân ở TP.HCM là 3,9 triệu đồng, thu nhập bình quân là 6,2 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, thu nhập của giáo viên tiểu học mới ra trường thấp hơn mức bình quân chung và không đủ để đảm bảo đời sống tối thiểu.
Theo phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM), giáo viên bậc học này phải dạy nhiều môn, vừa là giáo viên chủ nhiệm, vừa có thể phải kiêm nhiệm các chức danh khác. Ngoài giảng dạy, họ còn tham gia các hoạt động ngoài giờ, hỗ trợ công tác Đoàn - Đội, phong trào, hội thi, làm báo cáo, hồ sơ, sổ sách, liên hệ, trao đổi phụ huynh về tình hình học tập của học sinh.
Với môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Tin học, Ngoại ngữ, mỗi giáo viên được phân công 12-23 lớp khác nhau tùy theo môn. Do đó, số lượng học sinh phải theo dõi, nhận xét, đánh giá cũng tăng theo. Có giáo viên phải đánh giá, nhận xét 805 học sinh mỗi tháng.
TP.HCM hiện là địa phương có nhiều chính sách hỗ trợ cho giáo viên nhất cả nước. Ngoài lương, giáo viên được nhận thu nhập tăng thêm theo nghị quyết của HĐND thành phố, tối đa 1,8 lần lương theo ngạch bậc, chức vụ. Hiện, giáo viên TP HCM có thể đạt mức thu nhập từ 5,6 đến 18,1 triệu đồng một tháng.