Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Trẻ em lên tiếng về 5 vấn đề "nóng"

(Dân sinh) - 120 trẻ em của Hà Nội đã bày tỏ quan điểm về hàng loạt vấn đề “nóng” liên quan đến trẻ em như: phòng, chống bạo lực học đường, bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đặc biệt là ngăn chặn ma túy tại Diễn đàn trẻ em năm 2023

Hà Nội tổ chức Diễn đàn Trẻ em năm 2023.

Hà Nội tổ chức Diễn đàn Trẻ em năm 2023.

Với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”, ngày 20/7 UBND TP Hà Nội đã tổ chức Diễn đàn trẻ em năm 2023 trực tiếp và trực tuyến. Tham dự diễn đàn có Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Nga. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Đinh Hồng Phong cùng 24 cán bộ phụ trách trẻ, 10 tình nguyện viên.

Đặc biệt tại diễn đàn các đại biểu giao lưu, đối thoại với 120 trẻ em của Hà Nội về hàng loạt vấn đề “nóng” liên quan đến trẻ em như: phòng, chống bạo lực học đường, bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đặc biệt là ngăn chặn ma túy tiếp.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Đinh Hồng Phong cho biết: Sau 3 năm không tổ chức Diễn đàn trẻ em do diễn biến phức tạp và yêu cầu của công tác phòng chống dịch Covid 19, Sở LĐ-TB&XH đã được giao chủ trì tham mưu tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp. Trong 4 tháng qua, Hà Nội đã tổ chức 73 Diễn đàn trẻ em các cấp với sự tham gia trực tiếp của 14.000 lượt trẻ em. Tại các diễn đàn này trẻ em tham dự và bày tỏ quan điểm của mình, được đối thoại với các đồng chí lãnh đạo các cấp với 5 nhóm vấn đề trọng tâm như: Trẻ em tham gia phòng, chống, bạo lực, xâm hại trẻ em; Trẻ em tham gia phòng, chống giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước tai nạn giao thông; Trẻ em tham gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Trẻ em với biến đổi khí hậu, dịch bệnh thiên tai; Trẻ em tham gia phòng, chống tình trạng lao động trẻ em trái quy định pháp luật.

Các ý kiến của trẻ em được gửi đến đại diện lãnh đạo các Sở, ngành Hà Nội.

Các ý kiến của trẻ em được gửi đến đại diện lãnh đạo các Sở, ngành Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết thêm, Diễn đàn trẻ em cấp thành phố năm nay là năm đầu tiên được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, với mong muốn có nhiều trẻ em được tham dự và bày tỏ ý kiến của mình tại diễn đàn thành phố. Không chỉ giải đáp những thắc mắc, băn khoăn, những câu hỏi của trẻ em, đây là cơ hội để lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, những người làm công tác quản lý nhà nước có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em trên địa bàn Thủ đô, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của các em.

Tại diễn đàn đã có tổng cộng 13 câu hỏi, 25 nội dung được đề cập xung quanh 5 nhóm vấn đề trọng tâm: Trẻ em tham gia phòng chống, giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; trẻ em tham gia phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em; trẻ em tham gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; trẻ em với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai; trẻ em tham gia phòng, chống tình trạng trẻ em lao động trái quy định pháp luật gửi đến các đại biểu tham dự.

Trong đó, đáng lưu ý, về câu hỏi phải làm gì để ngăn chặn ma túy tiếp cận trẻ em, Đội trưởng Đội 7 (Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố) Ngô Văn Đáp nhấn mạnh: Cùng với các giải pháp do lực lượng Công an phối hợp cùng các lực lượng chức năng thực hiện, điều quan trọng là chính học sinh phải chủ động phòng tránh; phải luôn đề cao cảnh giác, phòng ngừa ma túy lẫn trong đồ chơi, đồ ăn, đặc biệt là bánh, kẹo, đồ uống… Bởi thực tế cho thấy, tình trạng học sinh ăn, uống phải một số đồ có ma túy ở nơi tụ tập đông người, ở ngoài cổng trường là khá phổ biến.

Các sản phẩm truyền thông do trẻ em sáng tạo.

Các sản phẩm truyền thông do trẻ em sáng tạo.

Ngoài ra tại diễn đàn còn có nhiều câu hỏi của các em đề cập đến việc ngăn chặn bạo lực học đường, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Giải đáp nội dung này, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga cho biết: Về nguyên tắc, trẻ em từ 13 tuổi mới được tham gia mạng xã hội. Nhưng thực tế, nhiều em nhỏ ở Việt Nam mới 9 tuổi đã tham gia mạng xã hội, khi còn thiếu nhiều kiến thức, kỹ năng về việc tham gia môi trường mạng an toàn. Vì vậy để bảo vệ chính mình trong môi trường mạng các em cần được trang bị “vaccine số” - những kiến thức, kỹ năng trước những thông tin xấu, độc trên môi trường mạng.