Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Trung bình mỗi năm, các cấp Công đoàn đã giải ngân cho khoảng 33.000 công nhân, người lao động từ Quỹ trợ vốn

Trung bình mỗi năm, các cấp Công đoàn đã giải ngân cho khoảng 33.000 công nhân, viên chức, lao động nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Trợ vốn. Đây được coi là giải pháp hữu hiệu để vừa giúp công nhân, người lao động ổn định cuộc sống, vừa ngăn chặn nạn “tín dụng đen”.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh thông tin, triển khai Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg ngày 12-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ, đến nay có 12/13 Quỹ Trợ vốn của tổ chức Công đoàn thực hiện việc đăng ký, chuyển đổi thành chương trình, dự án tài chính vi mô. Tổ chức Tài chính vi mô gồm quỹ của Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Thọ, Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh.

Nhờ những khoản vay chỉ 10-15 triệu đồng, cao thì 30-50 triệu đồng, Quỹ Trợ vốn đã giúp nhiều lao động nghèo không phải đi vay nặng lãi. Thời điểm dịch bệnh kéo dài, nhiều người lao động nghèo đã bám trụ nhờ khoản tiết kiệm này.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo không phải là bao cấp cho người nghèo mà giúp họ thoát nghèo. Do đó, quỹ có vai trò quan trọng đối với người lao động. Nhằm đẩy mạnh việc hỗ trợ, thực hiện đồng bộ, thống nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 20/2017/ QĐ-TTg cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, sớm sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; nghiên cứu, ban hành quy định hướng dẫn hoạt động đối với các chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.

Để mở rộng hơn nữa nguồn vốn cho công nhân, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị, trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Tổng Liên đoàn với Tập đoàn BRG, Ngân hàng SeABank, Công ty Tài chính TNHH một thành viên Lotte Việt Nam và các đối tác khác, các cấp Công đoàn chủ động kết nối để các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp tiếp cận, cung cấp dịch vụ phù hợp với công nhân lao động, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho đối tượng này. Trong đó, chú ý phổ biến rộng rãi tới công nhân lao động về gói cho vay 20.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ công nhân lao động. Các cấp Công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở cần tìm hiểu kỹ về gói vay và kết nối đầu mối cho vay giúp công nhân lao động để họ không phải tìm đến “tín dụng đen”. Qua đó, mang lại chính sách hiệu quả, thiết thực hơn cho người lao động.