Ông Lê Đình Tuấn (người thứ 2 từ trái qua) - Phó Bí thư Huyện ủy Nông Cống thăm lớp may công nghiệp tại TTDN huyện Nông Cống
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho học viên
Trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Lợi, Giám đốc TTDN huyện Nông Cống cho biết, từ thực tiễn nhu cầu đào tạo nghề ở địa phương, ngay từ đầu năm 2016, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, từ đó phân công cụ thể cho từng cán bộ, giáo viên, phụ trách công tác tuyển sinh đến từng xã, thị trấn triển khai. Bên cạnh đó, Trung tâm tích cực phối hợp có hiệu quả với các Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn trên địa bàn; phối hợp với các phòng, ban chức năng, các tổ chức đoàn thể huyện như: Phòng LĐ-TB&XH, Phòng GD&ĐT, Phòng NN&PTNT, Trung tâm y tế, Phòng TC-KH, Huyện đoàn, Hội cựu chiến binh, Hội khuyến học nhằm triển khai và thực hiện tốt công tác tuyển sinh, mở các lớp đào tạo nghề cho cán bộ và nhân dân trong và ngoài huyện.
Với những nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên năm 2016, TTDN huyện Nông Cống đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo được 19 lớp với 638 học viên, vượt kế hoạch so với chi tiêu 428 học viên (Sở LĐ-TB&XH giao 6 lớp, với 210 học viên). Trong đó, Lớp nghề Trồng rau an toàn 02 lớp 70 học viên; Lớp nghề Đan lát thủ công 2 lớp 67 học viên; Lớp May công nghiệp 9 lớp 315 học viên; Lớp nghề Sửa chữa quạt và động cơ điện 1 lớp 35 học viên; Lớp Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm 02 lớp 70 học viên; Lớp Tin học Văn phòng 3 lớp số lượng 81 học viên; Lớp tập huấn 02 lớp với số lượng 140 học viên. Theo thống kê của TTDN huyện Nông Cống, đa phần các học viên sau khi kết thúc khóa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp đã áp dụng có hiệu quả kiến thức đã được đào tạo vào các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; mở các đại lý thuốc, thức ăn và áp dụng các kiến thức vào lĩnh vực nông nghiệp để phát triển kinh tế trang trại và hộ gia đình đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Dạy nghề và XKLĐ tỉnh Thanh Hóa thăm lớp nghề Mây tre đan do TTDN Nông Cống tổ chức
Xác định rõ, công tác giải quyết việc làm sau đào tạo là yếu tố quan trọng giúp học viên nâng cao tay nghề, ổn định cuộc sống từ nghề, trên cơ sở đó, TTDN huyện Nông Cống đã đấu mối cùng với các xã ký hợp đồng với Công ty Rau quả Thanh Hóa; Công ty Quốc tế An việt Hà nội bao tiêu sản phẩm cho nông dân sau đào tạo như: cây Ớt; khoai tây; bí san…giúp cho học viên học nghề nông nghiệp có thu nhập bình quân từ: 9 đến 12 triệu đồng/sào/vụ đông. Đối với nghề đan lát thủ công, Công ty Ngọc Sơn Hà Nội bao tiêu sản phẩm giúp tạo việc làm tại chỗ lúc nông nhàn cho nông dân, thu nhập từ 2,7 đến 3,2 triệu đồng/người. Đối với học viên học nghề May Công nghiệp, TTDN huyện Nông Cống đã phối hợp đào tạo cung cấp lao động có tay nghề cho Công ty may DREAM F VINA tại xã Minh Khôi; công ty may Trường Thắng. Các học viên học lớp Cơ khí; Điện Công nghiệp cung cấp nguồn nhân lực cho khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa. Các lớp Chăn nuôi - Thú y đào tạo nghề tạo việc làm tại gia trại, trang trại trên địa bàn huyện. Đào tạo Tin học ứng dụng cho cán bộ cấp xã, giáo viên các trường phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan, đơn vị. Nghề lái xe mô tô A1, ôtô phục vụ cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện và các huyện lân cận.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên để phát triển bền vững
Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thì đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy nghề phải thường xuyên được đào tạo, tập huấn… nhằm nâng cao tay nghề, kiến thức giảng dạy. Trên cơ sở đó, năm 2016 TTDN Nông Cống đã tạo điều kiện cho 01 cán bộ theo học lớp Trung cấp chính trị tại huyện và 8 lượt cán bộ, giáo viên đi tập huấn nâng cao nghiệp vụ dạy nghề. Hiện trung tâm có 100% cán bộ, giáo viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; có đạo đức, lối sống trong sáng, giản dị; có tinh thần kỷ luật cao, thể hiện việc thực hiện nề nếp tác phong làm việc, thái độ phục vụ nhân dân. Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; không có cán bộ giáo viên vi phạm từ khiển trách trở lên; Đơn vị không để xảy ra nội bộ mất đoàn kết, khiếu kiện; không có cán bộ vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Ông Lê Đình Bốn (áo đen) - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện thăm lớp nghề may công nghiệp tại TTDN Nông Cống
Bên cạnh hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, TTDN huyện Nông Cống còn tích cực tham gia công tác xã hội, nhân đạo như: Tham gia hiến máu tình nguyện; tham gia ủng hộ các hoạt động từ thiện tặng quà bằng hiện vật cho học sinh nghèo trong huyện. Cụ thể, năm học 2016 - 2017 Trung tâm tặng 25 xuất quà (áo ấm) cho học sinh trường THCS Trần Phú có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hổ trợ tiền ăn trưa cho học sinh là hộ nghèo học các nghề tại Trung tâm năm 2016 với số tiền: 14,1 triệu đồng; chi khen thưởng cho học sinh xuất sắc trong học nghề tại trung tâm: 900 ngàn đồng; tạo việc làm có thu nhập cho 16 học sinh khuyết tật làm việc tại xưởng May của Trung tâm thu nhập từ 2,5 triệu đến 4 triệu đồng/em.
Lớp đào tạo Tin học cho cán bộ cấp xã, thị trấn tại TTDN huyện Nông Cống
Phát huy kết quả đã đạt được trong năm qua, năm 2017, TTDN huyện Nông Cống đặt mục tiêu dạy nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên cho 280 học viên trở lên. Trong đó, nghề Phi Nông nghiệp 4 lớp, 140 học viên; Nghề Nông nghiệp 4 lớp 140 học viên. Liên kết và đặt địa điểm mở lớp Mô tô A1 khoảng 12 lớp với 124 học viên/lớp.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Trung tâm sẽ tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện, xã, thị trấn về công tác đào tạo nghề; thường xuyên tham mưu cho UBND huyện, tăng cường phối hợp với các phòng chức năng của UBND huyện đặc biệt là phòng LĐ-TB&XH, phòng NN&PTNT, phòng GD&ĐT mở các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu của địa phương; tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật; phân công, giao chỉ tiêu cụ thể từng cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách địa bàn tuyển sinh.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Thuấn - Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: “Những năm qua, TTDN huyện Nông Cống đã có nhiều nỗ lực, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm sau đào tạo cho học viên và người lao động trên địa bàn; phối hợp có hiệu quả với các trường có chức năng đào tạo nghề và các phòng, ban của huyện đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã, thị trấn. Kết quả đó, đã góp phần quan trọng giúp huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”.