Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Trường mầm non tư thục “đỏ mắt” tìm giáo viên

Hà Nội chính thức cho trẻ mầm non quay trở lại trường học từ ngày 13/4. Trong khi các trường mầm non công lập khá thuận lợi, đội ngũ giáo viên không ai nghỉ việc, trường lớp được duy trì vệ sinh sạch sẽ, thì khối mầm non tư thục lại gặp rất nhiều trở ngại về kinh phí và nhân sự.

Trăm mối lo khi mở cửa trở lại

Theo thống kê của Sở GD&ĐT  TP. Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có gần 250 trường và nhóm lớp mầm non tư thục ở Thủ đô phải đóng cửa từ tháng 4/2021 đến nay. Toàn thành phố hiện có 13 trường mầm non tư thục và 202 nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập, tư thục có quyết định giải thể; nhiều cơ sở giáo dục có số lượng lớn giáo viên phải chuyển sang làm công việc khác… Trong tổng số 525.000 trẻ mầm non ở Hà Nội, có tới 158.000 em theo học tại các cơ sở tư thục. Trong những ngày đầu mở cửa trường học, chỉ khoảng 70% trẻ đến trường.

Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng hệ thống trường mầm non tư thục BiBi cho biết: “Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp 2 năm qua, chúng tôi phải đóng cửa trường suốt 12 tháng. Đây là giai đoạn khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử làm nghề. Dù vậy, hệ thống trường của chúng tôi cũng không được chủ nhà hỗ trợ giảm tiền thuê mặt bằng. Để bám trụ được với nghề, chúng tôi phải gồng gánh hết sức suốt thời gian trường ngưng hoạt động. Chúng tôi thậm chí phải bán cả nhà, tài sản tích cóp nhằm giữ được mặt bằng đã thuê và gây dựng nhiều năm, để sẵn sàng cơ sở vật chất tốt nhất đón các cháu trở lại trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại sĩ số học sinh quay lại học chỉ đạt 55 - 58%; cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường thì nghỉ việc khoảng 30% do đã chuyển nghề, không muốn quay lại làm việc”.

Thiếu giáo viên, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Hiệu trưởng hệ thống Trường Mầm non tư thục BiBi đang hỗ trợ các cô việc nuôi dạy trẻ.

Thiếu giáo viên, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Hiệu trưởng hệ thống Trường Mầm non tư thục BiBi đang hỗ trợ các cô việc nuôi dạy trẻ.

Khó khăn của hệ thống trường mầm non BiBi cũng là khó khăn chung của các trường mầm non tư thục trên cả nước hiện nay. Nhiều cơ sở mầm non tư thục khi được phỏng vấn đều sẵn sàng chi trả mức lương cao hơn, thậm chí hạ yêu cầu, chỉ mong có nhân sự nhưng vẫn rất khó khăn trong việc tuyển giáo viên.

Không chỉ thiếu giáo viên chuyên môn đứng lớp, nhiều trường còn thiếu cả nhân viên đứng bếp vì trường học đóng cửa gần 1 năm nên nhiều người đã chuyển nghề để mưu sinh. Không ít cơ sở đã phải nhờ cả họ hàng dưới quê lên để hỗ trợ dọn vệ sinh và phụ việc nấu nướng mà không có người làm, dù mức lương tăng thêm khoảng 20% so với trước dịch.

Cô giáo Nguyễn Hà Trang, Chủ trường mầm non Ngôi nhà trẻ thơ chia sẻ: “Tôi đã đăng tin tuyển giáo viên trong các hội nhóm trên Facebook  với mức lương trung bình 6,5 triệu đồng/tháng. Sau 3 ngày đăng tin, đến nay tôi vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi hay liên hệ nào. Tôi tiếp tục đăng tải thông tin, nhờ cả người thân cùng tìm kiếm, thậm chí tăng lương lên 7,5 triệu đồng/tháng, chấp nhận lãi ít hoặc hòa vốn để tuyển giáo viên nhưng đến nay nhà trường vẫn chưa nhận được hồ sơ ứng tuyển. Chưa có giáo viên nên hiệu trưởng, hiệu phó, văn phòng cũng phải đứng lớp, hỗ trợ công tác chăm nuôi học sinh”.

Khẩn trương hỗ trợ trường mầm non tư thục

Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên đứng lớp và giáo viên chăm sóc trẻ tại các trường mầm non tư thục hiện nay, TP. Hà Nội và các quận, huyện đang tìm các giải pháp để tuyển mới, thu hút giáo viên quay trở lại làm việc.

Quận Ba Đình hiện có 5 trường ngoài công lập, trong đó có 4 nhóm lớp đã giải thể. Nếu 100% trẻ đi học đủ thì số giáo viên còn thiếu là 215 người. Trong khi đó, tại quận Hoàn Kiếm, 30 - 40% giáo viên của các nhóm lớp mầm non có nhu cầu xin thôi việc.

Quận Nam Từ Liêm cũng có 50 trường mầm non và 218 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, số lượng trẻ học tại các trường tư thục và nhóm trẻ là 14.000 cháu, nhiều hơn 5.000 cháu so với các trường công. Do đó, việc đảm bảo chỗ học cho trẻ trước thực trạng nhiều trường công lập phải giải thể hết sức quan trọng. Để giải quyết vấn đề trên, bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết: Đối với 10 nhóm lớp tư thục đã giải thể, quận đã chỉ đạo các trường mầm non công lập đón nhận các cháu thuộc nhóm lớp này, tạo điều kiện để phụ huynh cho các con đến trường.

Theo bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà  Đông, trên địa bàn quận vẫn còn gần 30 cơ sở mầm non tư thục chưa thể hoạt động được vì các điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo và thiếu giáo viên. UBND quận và ngành giáo dục Hà Đông đang nỗ lực hỗ trợ các trường về cải tạo cơ sở vật chất, ký hợp đồng giáo viên, giúp các cơ sở mầm non quay trở lại hoạt động sớm nhất.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm cho biết: Phòng đang phối hợp với một số đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giao dịch việc làm dành riêng cho giáo viên mầm non nhằm bổ sung nhân lực đưa hoạt động giáo dục mầm non trở lại bình thường.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để thu hút đội ngũ giáo viên mầm non quay trở lại, Sở đã chỉ đạo các quận, huyện rà soát, động viên khích lệ các trường tái ký hợp đồng, tổ chức các sàn giao dịch việc làm để bổ sung đội ngũ giáo viên đã bị thiếu hụt; đồng thời đề nghị các trường cần công bố rộng rãi thông tin về nhu cầu tuyển dụng, tổ chức bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục nhất là giáo dục mầm non...

Theo PGS, TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT), trước những khó khăn của trường mầm non tư thục, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ để động viên đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên quay trở lại làm việc.