Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Trường nghề mạnh dạn cam kết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp

Trái với cảnh đìu hiu những năm trước đây, mùa tuyển sinh 2018 chứng kiến sự nhộn nhịp, sôi động của các trường nghề. Thời điểm này, nhiều trường đã tuyển đủ, thậm chí tăng chỉ tiêu.

Giáo dục nghề nghiệp đang có những bước đi vững vàng trong việc khắc phục những khó khăn yếu kém, đổi mới chất lượng đào tạo, bắt kịp nhu cầu thị trường, hướng tới sự phát triển của khu vực và thế giới. Cùng với sự tăng trưởng đáng mừng về số lượng, trong mùa tuyển sinh năm nay, 26 trường nghề còn ghi điểm mạnh khi cam kết trả lại học phí nếu sinh viên ra trường không xin được việc làm.

Hối hả tuyển sinh

Năm nay, lần đầu tiên Bộ Giáo dục - Đào tạo bỏ điểm sàn để các trường đại học tự chủ phương án tuyển sinh, nhiều sinh viên không cần tính điểm THPT quốc gia vẫn có thể trúng tuyển đại học qua hình thức xét học bạ. Không ít ý kiến lo ngại rằng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ đối diện với nguy cơ tuyển thiếu, thậm chí giải thể, song tại nhiều trường đào tạo nghề, mùa tuyển sinh lại khá sôi động.

Nhiều trường nghề vượt chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2018 nhờ đổi mới chất lượng đào tạo, bắt kịp nhu cầu thị trường

Đáng nói, so với những năm trước, nhiều trường tự tin nâng chỉ tiêu của cả bậc cao đẳng, trung cấp và đều sớm “cán đích” con số đã đề ra. 

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, những ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở mức độ được đào tạo giản đơn sẽ chịu tác động lớn và có nguy cơ bị đào thải do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và hội nhập kinh tế quốc tế, cần phải đổi mới quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo nghề thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành; xã hội hóa, đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp; phát triển chương trình và đào tạo nghề chất lượng cao, tăng tính thực hành cao. 

Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển cho thấy, muốn chuyển mình, các cơ sở đào tạo phải chủ động, nhanh chóng thay đổi phương thức đào tạo truyền thống, dạy những gì doanh nghiệp và thị trường cần. Để có thể đảm bảo đầu ra cho sinh viên, nguồn nhân lực do nhà trường đào tạo phải đáp ứng được những yêu cầu của nhà tuyển dụng. Muốn vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải coi  hợp tác đào tạo với doanh nghiệp là ưu tiên số 1 và là nhiệm vụ sống còn để phát triển nhà trường, nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có chiến lược và kế hoạch phát triển kinh doanh khác nhau. Vì vậy xây dựng mối quan hệ hợp tác, đối thoại để hiểu rõ những thách thức là việc đầu tiên cần làm. Chia sẻ về việc liên kết với các doanh nghiệp, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết, hiện nay tại Việt Nam có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động và hợp tác tốt với doanh nghiệp trong đào tạo. Giáo dục nghề nghiệp theo mô hình “đào tạo nghề kép” đang được trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội thực hiện với sự phối hợp tham gia của các doanh nghiệp đã và đang cho thấy sự phù hợp và trở thành xu hướng tất yếu. 

Theo đó, giảng viên nhà trường phối hợp cùng cán bộ kỹ thuật, trưởng hoặc phó bộ phận tại các doanh nghiệp trao đổi thông tin và thống nhất nội dung chương trình đào tạo tại hiện trường sản xuất, kiểm tra chặt chẽ, sâu sát chất lượng của sinh viên, thực hiện phương pháp đánh giá từ bên ngoài, từ góc độ là người sử dụng lao động, kết hợp với đánh giá bên trong là nhà trường. 

Gắn kết Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp

Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, năm 2017 có 1.983.960 người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề, trong đó 79% số sinh viên cao đẳng ra trường có việc làm, con số này ở bậc trung cấp là 82%. Đối lập với sự “đắt hàng” của sinh viên trường nghề là bức tranh đìu hiu của cử nhân, thạc sĩ cất bằng tốt nghiệp đi học trung cấp.

Năm 2018, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đặt ra mục tiêu tuyển sinh 2,2 triệu người: trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp là 540 nghìn người, sơ cấp là 1,66 triệu người, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng và hiệu quả đáp ứng nhu cầu của người học, thị trường lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành, những địa phương có nhu cầu lớn về nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp.

126 trường nghề còn cam kết trả lại học phí nếu sinh viên ra trường không xin được việc làm

TS. Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, có được thành tựu trên là nhờ sự quan tâm kịp thời của Nhà nước trong việc đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Để phát triển đồng bộ, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng các đề án, dự án đổi mới chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, như Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đưa ra mục tiêu đến năm 2020 và 2030 Việt Nam phải có một số lĩnh vực, một số ngành nghề tiếp cận được với chuẩn của các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đã xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, như: đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước; đổi mới cơ chế tài chính; trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường; gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; hoạch định lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Từ nay đến cuối năm, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ cùng các địa phương tiến hành rà soát, sắp xếp các tổ chức giáo dục nghề nghiệp để năm 2019 trình Chính phủ, theo tinh thần thận trọng, không vội vàng, đảm bảo bước đi vững chắc với mục tiêu đến năm 2021 sẽ giảm 10% các cơ sở công lập. Riêng các trường đào tạo ngành nghề đặc thù sẽ xem xét để tiếp tục hoạt động.

Mạnh dạn cam kết trả lại học phí cho sinh viên nếu ra trường không tìm được việc làm, là một sự khẳng định đầy thuyết phục của rất nhiều trường dạy nghề trong bối cảnh nỗ lực đi lên của loại hình đào tạo này.

 

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân: Phân luồng để tránh “thừa thầy thiếu thợ”

Nhận định về những khó khăn trong phát triển giáo dục nghề nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân cho rằng, để đổi mới toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ quan quản lý Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng nhiều năm nay, phân luồng giáo dục, nhất là ở lứa tuổi học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở vẫn là "điểm nghẽn" trong hệ thống giáo dục quốc dân, gây nên sự tốn kém, lãng phí không nhỏ trong việc sử dụng nguồn nhân lực của đất nước.

Tại các nước phát triển như Đức, Nhật Bản…, theo học nghề sớm là lựa chọn được nhiều ưu tiên và cho phép đào tạo ra nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước. Trong khi đó, Việt Nam đang bỏ phí nguồn nhân lực khi hàng trăm nghìn học sinh tốt nghiệp THPT không học tiếp, mà đi làm những công việc lao động phổ thông không qua đào tạo nghề nghiệp. Trong khi đó, nếu được định hướng tốt, số lượng học sinh đó học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS thì sẽ có thêm được đội ngũ lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo.

Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Thí điểm đào tạo theo chuẩn quốc tế

Theo TS. Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ Việt Nam rất coi trọng nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động. Bên cạnh đó, nâng cao tính tự chủ, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, chuẩn hóa chất lượng giáo dục là ba nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp mà Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang thực hiện. 

Để nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo chất lượng cao, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng, chuyển đổi chương trình đào tạo theo Luật Giáo dục nghề nghiệp; quy định về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định giáo trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng; quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô - đun hoặc tín chỉ. Tổ chức đào tạo thí điểm 12 nghề theo 12 bộ chương trình chuyển giao từ Australia; chuyển giao các bộ chương trình từ Cộng hòa liên bang Đức; đồng thời tăng cường các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp. 

Thay đổi nhận thức trong việc chọn nghề nghiệp

“Học sinh và phụ huynh đã và đang có những thay đổi nhận thức trong việc chọn nghề nghiệp, sát với nhu cầu thị trường. Thực tế xã hội cũng cho thấy hàng năm có hàng nghìn cử nhân thất nghiệp. Thế nhưng, tỷ lệ thất nghiệp sau khi học nghề lại rất thấp. Những năm trước, nhà trường cam kết tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là 96%, từ năm 2018 cam kết 100% sinh viên có việc làm sau 6 tháng, mức lương khởi điểm từ 5-7 triệu đồng/tháng”.

TS. Phạm Xuân Khánh (Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội)

Cơ sở giáo dục và doanh nghiệp chủ động hợp tác

“Hiện nay tại Việt Nam có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động và hợp tác tốt với doanh nghiệp trong đào tạo. Giáo dục nghề nghiệp theo mô hình “đào tạo nghề kép” đang được trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội thực hiện với sự phối hợp tham gia của các doanh nghiệp đã và đang cho thấy sự phù hợp và trở thành xu hướng tất yếu”.

 Nguyễn Thị Hoài Thu (Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề du lịch Hà Nội)