Từ năm 2021, sinh viên được chi trả 100% chi phí điều trị nội trú.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích liên quan đến trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của sinh viên. Theo đó, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở; ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, sinh viên đóng 70% còn lại. Số tiền mà một sinh viên đóng BHYT hiện tại là 43.785 đồng/tháng, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ 18.765 đồng/tháng. Sinh viên có thể lựa chọn phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng cho cơ sở giáo dục, nhà trường mà sinh viên đang theo học.
Về mức chi trả, nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến, sinh viên được chi trả các mức 80% - 95% - 100%, tùy từng mã thẻ. Nếu khám trái tuyến, mức chi trả là 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 100% chi phí điều trị nội, ngoại trú tại các bệnh viện tuyến huyện; được chi trả 60% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh đến ngày 31-12-2020. Từ năm 2021, sinh viên được chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước. Trường hợp đi khám, chữa bệnh không xuất trình đầy đủ thủ tục, được Quỹ BHYT thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH trong phạm vi và mức hưởng theo quy định. Trường hợp tham gia 5 năm liên tục trở lên sẽ được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn.
Hướng tới mục tiêu đưa tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 100% trong năm học 2018-2019 và duy trì tỷ lệ tham gia bền vững, tọa đàm góp phần giải thích và minh họa cụ thể bằng các tình huống về nghĩa vụ, quyền lợi của sinh viên. Theo đó, sinh viên không chỉ cần tuân thủ pháp luật về việc tham gia BHYT để bảo vệ lợi ích cá nhân, mà còn thấu hiểu ý nghĩa nhân văn cao cả của chính sách BHYT, đặc biệt về phương diện truyền thông cho cộng đồng.