Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Từ ngày 1/7/2020: Biên chế suốt đời, phụ cấp thâm niên sẽ không còn tồn tại

(Dân sinh) - Nhiều chính sách pháp luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 sẽ làm ảnh hưởng lớn đến cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ nhà giáo. Ngày 1/7/2020 là thời điểm Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chính thức có hiệu lực.

Từ ngày 1/7/2020: Biên chế suốt đời, phụ cấp thâm niên sẽ không còn tồn tại   - Ảnh 1.

Nhiều chính sách pháp luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 sẽ làm ảnh hưởng lớn đến đội ngũ nhà giáo. Ảnh minh họa.

Biên chế suốt đời chính thức hết thời

Thông tin trên được Người lao động cho biết, với đông đảo đội ngũ nhà giáo, quy định đáng chú ý nhất của Luật này chính là bãi bỏ chế độ biên chế suốt đời với viên chức.

Cụ thể, tại khoản 2, điều 2 sửa đổi, bổ sung điều 25 Luật viên chức hiện hành, việc thực hiện hợp đồng loại không xác định thời hạn chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Giáo viên mới được tuyển dụng từ ngày 1/7/2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn. Như vậy, sẽ không còn chế độ biên chế với những giáo viên này, sự ổn định suốt đời đã không còn nữa. Thay vào đó, khi hợp đồng làm việc hết thời hạn, họ có thể sẽ phải nghỉ việc nếu như đơn vị tuyển dụng không ký tiếp hợp đồng làm việc mới.

Phụ cấp thâm niên sẽ không tồn tại

Cũng tại thời điểm 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 cũng chính thức có hiệu lực, thay thế cho Luật Giáo dục 2009 trước đây. Luật này tác động trực tiếp tới đội ngũ giáo viên, trong đó có đến 7 quy định mới. Đáng chú ý nhất phải kể đến quy định về việc bãi bỏ phụ cấp thâm niên với giáo viên.

Cụ thể, tại điều 76, Luật này quy định: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, phụ cấp thâm niên nghề được quy định trước đây tại Luật Giáo dục cũ đã không được nhắc đến tại Luật này. Giáo viên chính thức bị mất một khoản thu nhập không nhỏ đến từ phụ cấp thâm niên.

Trả lương dựa trên các đánh giá

Liên quan đến việc bỏ biên chế đối với đội ngũ nhà giáo, theo Kinhtedothi.vn, hiện nay, ở Hà Nội, một số trường ngoài công lập chất lượng cao đang thực hiện trả lương theo vị trí việc làm để giáo viên tập trung hơn vào hoạt động giảng dạy. Trả lương theo vị trí việc làm cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà giáo và để họ có động lực phấn đấu, cống hiến.

Từ ngày 1/7/2020: Biên chế suốt đời, phụ cấp thâm niên sẽ không còn tồn tại   - Ảnh 3.

Thời điểm 1/7/2020, Luật Giáo dục 2019 chính thức có hiệu lực, thay thế cho Luật Giáo dục 2009 trước đây. Ảnh minh họa.

Nói về việc trả lương cho giáo viên theo vị trí công việc, thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường THCS, THPT Lê Quý Đôn cho hay: "Những giáo viên dạy môn quan trọng được trường trả lương cao. Giáo viên được học sinh tín nhiệm nhiều cũng được xếp lương cao hơn người không được đánh giá tốt. Nhà trường cũng căn cứ vào việc thầy cô dạy học sinh có chất lượng để nâng bậc lương, có thể là 3 năm, 2 hoặc 1 năm. Tất nhiên, việc trả lương cao còn căn cứ vào các đánh giá khác một cách chính xác, khoa học, khách quan".

Ở một khía cạnh khác, từ kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý giáo dục ở cấp Sở GD&ĐT và trường, TS Đặng Lộc Thọ đưa ra cảnh báo: Nếu không đưa ra những tiêu chí cụ thể thì vô hình chung lại chuyển từ trả lương theo ngạch bậc "sống lâu lên lão làng" sang thái cực "cào bằng".

Lý do bởi đặc thù của ngành giáo dục, cùng vị trí việc làm rất khó để nhận xét người này dạy tốt hơn người khác. Cũng như, cùng đối tượng giáo dục, mọi người không thể nhìn thấy và đánh giá được ngay kết quả người dạy. Để giải quyết vấn đề này, ông Thọ đề xuất duy trì cách tính thâm niên thỏa đáng.