Đây là quy hoạch đầy tham vọng và để hiện thực hoá thì cần rất nhiều nguồn lực - từ con người, tài chính đến cơ chế, chính sách… tất cả đều phải mang tính đột phá.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay, dự kiến giai đoạn 2026 - 2030 thành phố cần huy động khoảng 4,4 triệu tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách 1,1 triệu tỷ đồng, cần huy động các nguồn vốn xã hội trên 3,3 triệu tỷ đồng.
Lãnh đạo thành phố xác định, một trong những giải pháp chính để thực hiện hiệu quả quy hoạch là huy động, sử dụng nguồn lực và thu hút đầu tư.
Cùng với đó TPHCM sẽ phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và bảo vệ môi trường; liên kết vùng và hợp tác quốc tế; quản lý và phát triển bền vững đô thị, nông thôn và quản lý, phát triển bền vững đô thị, nông thôn.
Hạ tầng là một trong những mục tiêu hàng đầu cần ưu tiên đầu tư phát triển, với hàng loạt dự án trọng điểm.
Cụ thể, về dự án giao thông sẽ tập trung làm đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 và 4 cây cầu lớn (cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Đồng Nai 2, cầu Phú Mỹ 2) cùng các tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, TPHCM - Cần Thơ, 7 tuyến đường sắt đô thị, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng hành khách quốc tế Nhà Rồng - Khánh Hội, Phú Thuận.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ưu tiên các dự án trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trung tâm dữ liệu, khu công viên khoa học công nghệ Thủ Đức.
Ở lĩnh vực đô thị, ưu tiên hoàn thiện phát triển khu đô thị Thủ Thiêm, Bình Quới - Thanh Đa, Trường Thọ, Hiệp Phước và khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Ngoài ra còn một dự án lớn khác như trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm hội chợ - triển lãm, trung tâm logistics, khu thương mại tự do, khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, trung tâm nghệ thuật đa năng...
Lãnh đạo thành phố cho rằng, việc thực hiện quy hoạch có ý nghĩa như một “món nợ mà TPHCM phải trả”, vì vậy thành phố sẽ tổ chức thực hiện quy hoạch đảm bảo chặt chẽ, linh hoạt, phù hợp tổng thể, đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển thành phố gắn với phát triển vùng.
Trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, triển khai quy hoạch theo các phân khu như quy định. Từ đó khơi thông và tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai, xây dựng hạ tầng, tạo động lực để TPHCM bứt phá trong giai đoạn tới.
Đánh giá đây là quy hoạch được xây dựng theo cách tiếp cận, tư duy, phương pháp luận đột phá để giải quyết các vấn đề cần thiết của TPHCM, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Điều cần đặc biệt quan tâm là thực hiện quy hoạch như thế nào để tạo ra của cải vật chất và cuối cùng người dân phải được hưởng lợi từ việc thực hiện quy hoạch, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Theo Thủ tướng, quy hoạch có tính chất dẫn dắt, đi trước đón đầu, có nhà tư vấn tốt có quy hoạch tốt, có quy hoạch sẽ có dự án tốt, có dự án tốt có nhà đầu tư tốt mới triển khai quy hoạch tốt.
Trong đó, yếu tố con người cần đặc biệt quan tâm, thu hút nhân tài cùng với chính sách an sinh xã hội, bởi con người là hạt nhân, động lực chính để thực hiện quy hoạch thành công.
Khánh Nguyễn
Báo Lao động và Xã hội số 3