Bối cảnh
Trong những năm qua, với sự nỗ lực của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, Việt Nam đã đạt được môt số những thành quả quan trọng trong việc hỗ trợ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Là nước thứ hai trên thế giới và đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em (CRC) của Liên hợp quốc. Việt Nam đã thể hiện cam kết với thế giới về việc đảm bảo các quyền của trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng sẽ được thực hiện. Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Luật trẻ em số 102/2016/QH13 năm 2016 cũng đã nêu rõ quyền của trẻ em và trách nhiệm của gia đình, xã hội và các cơ quan trong việc đảm bảo các quyền cho trẻ em.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (chiếm 7,8% tổng dân số) và trong số đó 28,3% là trẻ khuyết tật. Mặc dù tài liệu pháp lý cung cấp đầy đủ số liệu, người khuyết tật (NKT) và trẻ em khuyết tật (TEKT) vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể để thực hiện quyền của mình. Cả nước có trên 1.000.000 NKT nặng, khoảng 100.000 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và hàng triệu NKT, TEKT được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của NKT đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt mọi mặt. NKT đã có thể tiếp cận trợ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, cơ hội được đi học của TEKT thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật. Ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Đến cấp THPT chỉ có chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng tuổi. Chỉ có 2% trường tiểu học và THCS có thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật và khoảng 1/7 số trường có một giáo viên được đào tạo về dạy trẻ khuyết tật. Một lý do quan trọng liên quan đến chất lượng và việc thực hiện các chính sách pháp luật, được báo cáo là không có cơ chế thực thi kèm theo, do đó trên thực tế các quy định không được triển khai hoặc chỉ được thực hiện một phần. Một lý do quan trọng khác là Luật NKT đã được phê duyệt sớm hơn nhiều so với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT (CRPD) và không hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn của CRPD.
Được Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến Tư pháp (JIFF) và Bộ tư pháp phê duyệt dự án "Tăng cường tiếp cận y tế và giáo dục cho trẻ em gái và trẻ em khuyết tật", Liên hiệp hội về NKT Việt Nam (VFD) triển khai nhiều hoạt động nhằm đạt được mục tiêu được đề ra trong dự án. Các hoạt động gồm khảo sát, hoạt động truyền thông, tập huấn, hội nghị và hội thảo. Những hoạt động này nhằm giúp nâng cao hiểu biết về các khó khăn trong tiếp cận y tế và giáo dục của trẻ em gái và TEKT, các rào cản hỗ trợ trẻ từ phía gia đình, cán bộ cộng đồng và tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình có trẻ em gái và TEKT.
I. Lý do tuyển chuyên gia
Để hỗ trợ cán bộ tuyến cơ sở có kiến thức và kỹ năng tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho trẻ em và gia đình trẻ em khuyết tật, đảm bảo trẻ em được hưởng đầy đủ các quyền giáo dục và chăm sóc sức khỏe như những trẻ em khác, VFD sẽ tuyển chuyên gia xây dựng quyển "Cẩm nang tư vấn hỗ trợ cho trẻ khuyết tật tiếp cận y tế, giáo dục".
II. Mục tiêu và kết quả đầu ra
Mục tiêu: Trang bị kiến thức và kỹ năng cơ bản cho cán bộ bảo vệ trẻ em, nhân viên công tác xã hội về tư vấn, trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực chăm sóc y tế vào giáo dục cho trẻ em khuyết tật, gia đình chăm sóc/nuôi dưỡng trẻ khuyết tật.
Kết quả đầu ra:
Một cuốn cẩm nang từ 20-30 trang, trong đó:
- Cung cấp kiến thức cơ bản về tư vấn, trợ giúp pháp lý ban đầu, chính sách liên quan tới hỗ trợ quyền trẻ em khuyết tật trong tiếp cận (i) việc làm, (ii) y tế và (iii) giáo dục
- Hướng dẫn kỹ năng cơ bản về tư vấn, trợ giúp pháp lý cho trẻ em, trẻ em khuyết và phụ huynh/người chăm sóc trẻ khuyết tật.
- Hướng dẫn qui trình tư vấn, trợ giúp pháp lý ban đầu
- Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới phù hợp trong cẩm nang để đảm bảo quyền của trẻ em gái và trẻ em trai khuyết tật trong tiếp cận việc làm, y tế và giáo dục.
- Các hướng dẫn cần đảm bảo về chuyên môn, chính sách, pháp luật quy định.
- Văn phong và trình bày dễ hiểu, phù hợp với trình độ của cán bộ sử dụng tại địa phương.
III. Các nhiệm vụ chính của tư vấn
- Nghiên cứu các tài liệu liên quan tới nội dung mong muốn của cẩm nang;
- Xây dựng kế hoạch, đề cương;
- Xây dựng bản dự thảo với sự hỗ trợ và tư vấn của cán bộ kỹ thuật dự án Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; - Nghiên cứu các góp ý của cán bộ kỹ thuật Liên hiệp hội, Quỹ JIFF và các chuyên gia khác để điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện.
IV. Quản lý
Chuyên gia sẽ làm việc dưới sự giám sát kỹ thuật của cán bộ VFD.
V. Thời gian: Trong khoảng 10 ngày tháng 8/2021
VI. Yêu cầu đối với chuyên gia hoặc nhóm chuyên gia
Hoạt động viết cẩm nang đòi hỏi chuyên gia hiểu biết về pháp luật, chính sách của nhà nước Việt Nam qui định cho NKT, có khả năng thực hành tư vấn, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan tới TEKT và gia đình trẻ. Yêu cầu cho chuyên gia hoặc nhóm chuyên gia xây dựng quyển cẩm nang nêu trên bao gồm:
- Có chuyên môn về Luật, có kinh nghiệm làm việc với các dự án tư vấn hoặc trợ giúp pháp lý liên quan tới mảng việc làm, y tế, công tác xã hội cho TEKT và phụ huynh của trẻ khuyết tật.
- Đã có ít nhất 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu, thực hành liên quan tới tư vấn pháp luật (ưu tiên cho ứng cử viên đã làm tư vấn hoặc quản lý các dự án cho trẻ em gái và trẻ em khuyết tật).
- Có kinh nghiệm làm việc với cộng đồng, đặc biệt với trẻ em gái, trẻ em khuyết tật.
- Có kinh nghiệm xây dựng và viết sách, cẩm nang dành cho cán bộ cộng đồng.
- Có kinh nghiệm làm việc với các dự án, tổ chức quốc tế khác.
Hồ sơ dự tuyển:
Các ứng cử viên có mong muốn làm việc cùng VFD để xây dựng quyển "Cẩm nang tư vấn hỗ trợ cho trẻ khuyết tật tiếp cận việc làm, y tế, giáo dục" cần gửi sơ yếu lý lịch, kế hoạch, nội dung chính viết cẩm nang và bản dự trù kinh phí tới Địa chỉ:
- Văn phòng Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam:
- Tầng 4, 139 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội
- email vthdinh55@gmail.com/ ntth171@gmail.com, điện thoại 0947 559 056/ 0906 586 171 trước ngày 20/8/2021