Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Tuyên Quang chú trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Yêu cầu của tỉnh Tuyên Quang đặt ra là nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động, yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc có diện tích tự nhiên là 5.870km2, trong đó vùng nùi cao chiếm trên 50%, còn lại là vùng núi thấp và vùng trung du. Nền kinh tế sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, lao động nông thôn chiếm khoảng 80% lực lượng lao động. Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tuyên Quang đã được triển khai thực hiện có tác dụng chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, tỉnh Tuyên Quang đã đặc biệt quan tâm đến việc triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 - 2020" và các kế hoạch của UBND tỉnh lồng ghép với việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn tham gia các lớp đào tạo nghề, giúp nhiều lao động sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề tìm được việc làm ổn định. Cùng với những giải pháp cơ bản, đồng bộ và mang tính bền vững tăng thu nhập của lao động nông thôn, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan mà nòng cốt là Sở Lao động – TBXH triển khai các giải pháp cụ thể, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động; đồng thời, gắn đào tạo nghề với quy hoạch sản xuất và những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của từng huyện, xã. Các nội dung hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững phải gắn với các lớp dạy nghề cho nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Tuyên Quang đặt mục tiêu xuyên suốt trong công tác này là việc đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn để họ trở thành lao động làm các công việc trong các lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp, xuất khẩu lao động là một yêu cầu cấp thiết để tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn góp phần xây dựng Tuyên Quang trở thành một tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành căn cứ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn ngành, nghề, quy định mức chi phí đào tạo nghề và mức hỗ trợ chi phí học nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn phải đảm bảo các điều kiện, như: đối với người học, chỉ dạy nghề cho người học phải dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học; đối với cơ sở dạy nghề, liên hệ và giới thiệu việc làm cho lao động, đảm bảo trên 70% người học có việc làm sau khi học nghề, ký hợp đồng với các doanh nghiệp để nhận lao động vào làm việc khi hoàn thành khoá học; tổ chức nhân rộng và xây dựng các mô hình dạy nghề; uu tiên dạy nghề ở những vùng chuyên canh, các xã xây dựng nông thôn mới, các điểm di dân tái định cư…

Từ các cơ chế chính sách về giáo dục nghề nghiệp, công tác đào tạo đã gắn kết với công tác giải quyết việc làm cho lao động, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định tình hình trật tự xã hội của địa phương đồng thời tạo lợi thế để cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ, tăng cường xuất khẩu lao động; nhiều lao động đã tiếp cận với khoa học công nghệ, tác phong làm việc công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động.

Lao động nông thôn sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất; có việc làm được các doanh nghiệp, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tuyển dụng, được chuyển nghề, có thu nhập, tăng năng xuất lao động, nhiều hộ biết vận dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế hộ gia đình, bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2019 lên trên 57%, trong đó qua đào tạo nghề trên 35%.

Mục tiêu của tỉnh Tuyên Quang đặt ra  là nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động, yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đảm bảo đào tạo nghề đúng đối tượng, thực hiện đúng chế độ chính sách quy định; cơ sở tham gia đào tạo nghề phải có đủ điều kiện, được hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề.