Ông Phạm Việt Đức, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thi tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Sở GD&ĐT chủ trì buổi họp báo ngày 2/8. (Ảnh Trần Nguyên/ Báo Thái Nguyên.
Cụ thể, cả nước có 901.728 thí sinh dự thi môn Ngữ văn, số thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên là 2.324 thí sinh (chiếm 0,25%); thấp hơn 4,7 lần so với tỷ lệ đạt điểm này của Thái Nguyên (1,18%).
Năm 2018, Thái Nguyên có 14.216 thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018. So với một số tỉnh khá như: Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa, Nghệ An..., tỷ lệ thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên môn Ngữ văn của Thái Nguyên cao gấp nhiều lần dù số thí sinh dự thi ít hơn 2-5 lần.
Cụ thể, Hà Nội có 72 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên, chiếm 0,09% tổng số thí sinh thành phố dự thi môn này. TP HCM có 5 em, chiếm 0,006%; Thanh Hóa có 35 em chiếm 0,1%. Nghệ An là tỉnh có số lượng thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên cao thuộc tốp đầu cả nước với 188 em, nhưng so với tổng thí sinh dự thi môn này của tỉnh, số điểm giỏi chỉ chiếm 0,6%, thấp hơn 1,9 lần so với tỷ lệ của Thái Nguyên.
"Địa phương đã rà soát, không phát hiện bất thường"
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên, ông Phạm Việt Đức cho biết, đúng là số thí sinh đạt điểm cao môn Ngữ văn năm nay tăng nhiều hơn năm ngoái và cao hơn so với mặt bằng toàn quốc... Việc chấm bài tự luận Ngữ văn đôi khi có yếu tố cảm tính, nhiều thí sinh điểm cao có thể do giáo viên "rộng tay".
"Cái này phải kiểm tra mới biết được", Giám đốc Đức nói và cho biết sẽ chờ chỉ đạo của Bộ Giáo dục và thực hiện trên tinh thần cầu thị, xử lý nghiêm minh.
Về việc tổ chức coi thi, chấm thi, Giám đốc Sở Giáo dục Thái Nguyên khẳng định "tất cả đều làm đúng quy trình, quy chế". Khi rà soát toàn bộ quy trình thi theo yêu cầu của Bộ Giáo dục ngày 20/7, địa phương không phát hiện bất thường.
"Chúng tôi chỉ rà soát quy trình, còn bài thi không thể động vào hay tự do lấy ra chấm lại vì quy định là phải niêm phong túi bài và làm đúng quy chế", ông Đức nói.
Đánh giá về chất lượng học tập môn Ngữ văn của học sinh trong tỉnh năm 2018, lãnh đạo Sở Giáo dục cho rằng có khởi sắc do tỉnh đã có nhiều giải pháp như tổ chức hội nghị, hoạt động chuyên môn... để nâng cao chất lượng dạy và học.
“Đến thời điểm này, Hội đồng thi Sở GD&ĐT Thái Nguyên hoàn toàn tuân thủ đúng quy định và bảo đảm an toàn, nghiêm túc. Không có sai sót trong các khâu tổ chức thi, giám sát, chấm thi. Kỳ thi tổ chức chung nhưng tính phân loại cao trong đề thi, nên mức điểm chênh lệch giữa xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh vào đại học hoàn toàn phản ánh khách quan, đúng năng lực của người học. Sở GD&ĐT tiếp tục nhận phản hồi cụ thể về những vấn đề liên quan đến kỳ thi. Nếu có dấu hiệu sai sót, tiêu cực sẽ kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật”, ông Phạm Việt Đức cho biết.