Tại phiên thảo luận “Thiết lập các tiêu chuẩn lao động, thúc đẩy việc làm hạnh phúc trong doanh nghiệp theo ESG”, các chuyên gia nhận định: Doanh nghiệp thực hành chữ “S” trong ESG (môi trường - xã hội - quản trị) sẽ giúp tăng năng suất lao động và giữ chân lao động.
Phiên thảo luận nằm trong khuôn khổ hội thảo "Nhân lực bền vững - Trung tâm của chữ "S" trong ESG" do Báo Dân trí tổ chức ngày 30/10, tại Hà Nội.
Ông chủ đối đãi bằng cái tâm, nhân viên sẽ cống hiến hết sức
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Dự án Sáng kiến Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) cho rằng, đầu tư về con người thực ra không ngắn hạn và doanh nghiệp có tầm nhìn bền vững chắc chắn phải quan tâm. Thành ngữ có câu “Dụng nhân như dụng mộc”.
Tất cả doanh nghiệp đều phải tính toán hiệu quả chi phí, ai cũng muốn trả lương cao, điều kiện làm việc tốt nhưng nguồn lực lại là vấn đề sống còn với nhiều doanh nghiệp. Hiện nay, thế giới đánh giá mức độ bền vững không chỉ ở từng doanh nghiệp, mà đánh giá theo chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp Việt Nam đang muốn tham gia chuỗi sản xuất quốc tế thì phải tiệm cận được tiêu chuẩn này.
“Ví dụ, khi thị trường biến động, làm sao để lao động gắn bó với doanh nghiệp. Cùng với đó là bài toán chi phí trong việc giữ chân lao động hay tuyển mới lao động trong bối cảnh rất khó tuyển dụng lao động, nhất là lao động trình độ cao”, ông đặt câu hỏi.
“Khi môi trường làm việc tốt thì năng suất, hiệu quả lao động cũng tăng lên. Khi doanh nghiệp quan tâm đến người lao động (NLĐ) thì chắc chắn NLĐ sẽ gắn bó, yêu quý doanh nghiệp và làm việc sẽ tốt hơn”, ông nói.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan TPHCM cho biết: Theo báo cáo Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) năm 2021, có 58% NLĐ cân nhắc các cam kết về môi trường và xã hội khi lựa chọn nơi làm việc.
Họ có xu hướng gắn bó lâu dài gấp 3 lần và có mức độ gắn kết cao hơn 1,4 lần với các doanh nghiệp mà họ tin tưởng có mục tiêu phát triển bền vững. “Sau đại dịch Covid-19, công ty chúng tôi tái cấu trúc rất nhiều, thay đổi lớn nhất là thay đổi tư duy cả hệ thống, trong đó có thay đổi môi trường làm việc để đáp ứng mong muốn từ nhân sự. Từ đó, giúp tăng năng suất lao động khoảng 30%”, ông Việt thông tin.
Doanh nghiệp có cách thức riêng để thực hành chữ “S” trong ESG
Nhận xét về thực hiện ESG trong doanh nghiệp Việt Nam, TS Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đánh giá, việc thực hành chữ “S” trong ESG hay hỗ trợ phát triển người tài cần gắn với lợi ích sát sườn của doanh nghiệp. Nếu không giữ chân lao động tốt, họ sẽ nghỉ việc.
“Nếu doanh nghiệp thu hút người tài bằng cách quan tâm đến đào tạo, tạo cơ hội phát triển cho NLĐ; cùng với đó hỗ trợ thêm đào tạo cho con em, đẩy mạnh chính sách tăng cường gắn bó nhân viên, hỗ trợ nhân viên mua nhà… Từ đó giúp tỷ lệ nghỉ việc giảm đi, tăng năng suất lao động”, ông Minh nói.
Cùng nói về cách thực hành chữ "S" trong doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ: "Tôi từng vào trụ sở của Google, Meta và thấy không gian làm việc của họ rất tuyệt vời. Ở đó, có đồ ăn miễn phí cho tất cả nhân viên, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thư giãn miễn phí, thậm chí một số linh kiện điện tử cũng được cấp phát miễn phí.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chỉ các doanh nghiệp lớn mới thực hiện được những hoạt động quan tâm, chăm lo cho người lao động. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có những cách thức riêng, rất linh hoạt, phong phú.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng có những cách quan tâm đến nhân viên rất tinh tế. Đến thăm một doanh nghiệp tại Bình Dương, tôi thấy vị trí trang trọng nhất trong doanh nghiệp treo rất nhiều tấm hình của nhân viên, trong đó có cả chị lao công, nhân viên tạp vụ… Theo giải thích của công ty, đây là những nhân viên gắn bó lâu dài với công ty và họ được công ty vinh danh.
Do đó, mỗi doanh nghiệp dù to hay bé, nếu đã quan tâm đến NLĐ bằng cái tâm của mình thì có rất nhiều cách để biểu thị. Tôi cho rằng, việc đầu tư cho chữ "S", cho nhân lực trong từng doanh nghiệp không phải là cái gì quá hoành tráng, mà nhiều cách rất thân thuộc”.
Cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng ESG đối với các doanh nghiệp, ông Chaturon Thipphiansak, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH SCG Việt Nam chia sẻ: “Tại SCG Việt Nam có các ban chuyên môn hỗ trợ thúc đẩy môi trường làm việc hạnh phúc và việc làm bền vững.
Với hơn 100 năm kinh nghiệm, SCG phát triển một hệ thống tiêu chuẩn ESG với trọng tâm là tôn trọng nhân tài. Thực hành ESG sẽ không thể thành công nếu không tạo dựng được môi trường làm việc hạnh phúc, nơi nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp và khuyến khích ý thức an toàn cho nhân viên.
Khi đạt được mục tiêu này, mỗi nhân viên sẽ có động lực để thực hiện và tuân thủ các quy định”.
Vân Khánh
Báo Lao động và Xã hội số 132