155 cơ sở giáo dục Việt Nam tiếp nhận, đào tạo LHS
Theo báo cáo của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), giai đoạn 2016 - 2021, Việt Nam có 155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 LHS nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, 26,6% LHS Hiệp định và 73,4% LHS ngoài Hiệp định.
Trung bình hàng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 LHS được tiếp nhận mới vào Việt Nam (năm 2019 đông nhất với trên 6.300). Do ảnh hưởng của COVID-19, trong hai năm 2020, 2021, chỉ tiếp nhận khoảng 3.000 LHS mỗi năm.
LHS nước ngoài học tập tại Việt Nam chủ yếu là trình độ đại học và các khóa ngắn hạn. Số LHS học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ khá khiêm tốn; LHS học tiến sĩ chủ yếu là LHS Lào, Campuchia, một số LHS Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản học ngành Việt Nam học.
Ngoài Lào và Campuchia có số lượng LHS chiếm tỷ lệ lớn với gần 80%, một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản... có số LHS học tập tại Việt Nam đông do mối quan hệ kinh tế trong những năm gần đây phát triển tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để các trường tiếp tục khai thác thế mạnh, thu hút sinh viên các nước có mối quan hệ tốt với Việt Nam.
Các cơ sở giáo dục thu hút được nhiều LHS (trên 1.000) và đa dạng quốc tịch có thể kể đến ĐH Quốc gia Hà Nội (74 quốc tịch); ĐH Quốc gia TP.HCM (47), Trường ĐH Hà Nội (44), ĐH Huế (38), ĐH Thái Nguyên (29), ĐH Đà Nẵng (13)…
Về điều kiện học tập, sinh hoạt, năm 2021, theo khảo sát của Cục Hợp tác quốc tế, với gần 1000 LHS đang học tập tại Việt Nam, đa số LHS hài lòng về điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất và sự quan tâm của các thầy cô giáo.
Giai đoạn 2022 - 2030, cần đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, giai đoạn 2022 - 2030, cần đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) phải lấy chất lượng làm đầu; tăng cường thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, nâng cao tình đoàn kết, hữu nghị.“Ngoài học tập, LHS nước ngoài còn trở thành đại sứ văn hoá, cầu nối tình hữu nghị, điều này đặc biệt quan trọng. Do đó, công tác đào tạo không chạy theo số lượng, không du di chất lượng, phải tuân thủ các thoả thuận, đảm bảo các yêu cầu chất lượng đầu vào, trình độ tiếng Việt và chuẩn đầu ra”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan sẽ rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút, đào tạo, quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý.
Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học tăng cường ký kết các văn bản thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến việc trao đổi học sinh, sinh viên tạo khung pháp lý thúc đẩy việc thu hút LHS nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc mong muốn lãnh đạo các cơ sở đào tạo quan tâm đến công tác LHS, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, phát triển thêm nhiều chương trình chất lượng cao và chương trình đào tạo liên kết, phù hợp với nhu cầu người học, đa dạng ngôn ngữ giảng dạy, trong đó ưu tiên các chương trình bằng tiếng Anh. Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập và sinh hoạt tốt nhất cho LHS nước ngoài.
Đặc biệt, cần tạo điều kiện để LHS hiểu hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Tuỳ điều kiện và đặc điểm của trường và LHS, các trường có cách tổ chức phù hợp, qua đó tăng cường vị thế, hướng đến mục tiêu hội nhập quốc tế.
“Chiến lược chung của các trường nhấn mạnh chất lượng đào tạo và coi trọng giao lưu văn hoá, phát triển tình hữu nghị với các nước. Nếu các trường thực sự quan tâm đầu tư, định hướng rõ ràng thì sẽ làm rất tốt công tác đào tạo LHS nước ngoài, góp phần vào thành công chung giáo dục đại học Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.