Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Nhân lực

Vĩnh Phúc: Giải pháp để cung ứng và giải quyết việc làm cho lao động

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua, hàng nghìn lao động từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã trở về Vĩnh Phúc. Nhiều lao động mong muốn tìm việc làm, ổn định đời sống tại quê nhà. Hiện các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực triển khai các giải pháp để hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tỉnh Vĩnh Phúc luôn đồng hành, coi thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh, từ đó có những chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất.

Theo ông Thành, thời điểm tháng 5-2021, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, tỉnh đã kịp thời ban hành chính sách quy định tạm thời mức giá xét nghiệm SARS-CoV-2 một cách hợp lý, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp thuận lợi trong triển khai xét nghiệm rộng rãi, đồng thời bảo đảm năng lực lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm đáp ứng 100% nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp; ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho công nhân, chủ động hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp triển khai nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch... Nhờ đó, mặc dù dịch diễn biến phức tạp nhưng không có doanh nghiệp nào phải dừng sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác của UBND tỉnh về phục hồi sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bởi vậy, nhiều bất cập nảy sinh về sản xuất, lưu thông hàng hóa, chỗ lưu trú cho chuyên gia, người lao động ngoại tỉnh, xét nghiệm, cách ly... đã được kịp thời giải quyết, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Nói về những giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” trong các KCN Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được kiểm soát, song Ban Quản lý các KCN luôn quán triệt các KCN không được chủ quan lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh. Ban thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19: tiếp tục nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ trước nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Thực hiện tốt thông điệp 5K+5T của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc triển khai các nhiệm vụ và công tác phòng, chống COVID-19; gửi kế hoạch vận tải hàng hóa tuần cho Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan; tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp trong KCN thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVI-19 trong điều kiện mới. Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc triển khai các nhiệm vụ và công tác phòng, chống COVID-19; gửi kế hoạch vận tải hàng hóa tuần cho Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan; tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp trong KCN thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVI-19 trong điều kiện mới.

Hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề cho người lao động

Theo Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có gần 5.500 công dân từ các tỉnh, thành có dịch trở về, trong đó, gần 2.400 công dân từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Phần lớn người lao động hồi hương có điều kiện kinh tế khó khăn và chưa qua đào tạo nghề. Bởi vậy, khi quay trở về quê, nhiều lao động băn khăn, lo lắng chưa biết sẽ làm gì để bảo đảm cuộc sống. Sở Lao động, Thương binh & Xã hội đã xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh triển khai các biện pháp tạo điều kiện cho nhóm lao động này được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Đồng thời, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm bắt các thông tin cơ bản của người lao động hồi hương về công việc đang làm, thời gian thất nghiệp, nhu cầu việc làm mong muốn; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với doanh nghiệp để tìm việc làm, tăng cường triển khai công tác thông tin thị trường lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã, các cơ sở đào tạo nghề để tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối người lao động và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người lao động chưa có việc làm, mất việc hoặc có việc làm nhưng không ổn định do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tiếp cận và trao đổi thông tin cần thiết về nhu cầu việc làm, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề, để có cơ hội nghề nghiệp quay lại thị trường lao động.

Đối với người lao động có nhu cầu học nghề, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động, vay vốn tạo việc làm tại chỗ cũng sẽ được tạo điều kiện hỗ trợ học nghề phù hợp với thị trường lao động gắn với giới thiệu việc làm. Các huyện, thành phố cũng chủ động khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, làng nghề, nghề phụ… để hỗ trợ vốn ưu đãi, kỹ thuật, cây, con giống giúp người lao động tiếp cận, phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ, sớm ổn định cuộc sống khi ở lại quê hương lập nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị để tư vấn, định hướng nghề nghiệp, trình độ kỹ năng nghề cho người lao động lựa chọn ngành nghề, phương án đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phù hợp với khả năng và nguyện vọng; tư vấn về kỹ năng tham gia dự tuyển; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong nước và ngoài nước.

Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc cho biết, việc quan tâm, tạo điều kiện giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho nhóm công nhân, người lao động hồi hương trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch là việc làm quan trọng, cần thiết, thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của tỉnh tới người dân nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Trên tinh thần đó, sở đã xây dựng kế hoạch, tham mưu tỉnh triển khai các biện pháp tạo điều kiện cho nhóm lao động này được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Theo đó, hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương rà soát nắm bắt các thông tin cơ bản của người lao động hồi hương về công việc đang làm, thời gian thất nghiệp, nhu cầu việc làm mong muốn; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với doanh nghiệp để tìm việc làm, tăng cường triển khai công tác thông tin thị trường lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã, các cơ sở đào tạo nghề để tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối người lao động và doanh nghiệp.

ĐK
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ