Phát huy vai trò xung kích, tiên phong của đội ngũ Bí thư Chi đoàn trong việc tham gia phát triển kinh tế, khởi nghiệp, để nêu gương cho đoàn viên, thanh niên học tập và làm theo, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hóa đã chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách đăng ký tham gia mô hình “Bí thư Chi đoàn tiên phong khởi nghiệp”; kết quả đã toàn tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng được 800 mô hình Bí thư Chi đoàn địa bàn dân cư phát triển kinh tế.
Để tăng cường hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp, đến nay, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho tổ chức Tỉnh Đoàn Thanh Hóa quản lý đã tăng lên 1.322 tỷ đồng triển khai cho 26.157 hộ vay vốn. Về nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn mà Tỉnh Đoàn Thanh Hóa đang quản lý là 2,35 tỷ đồng, cho 27 dự án thanh niên vay mở rộng và phát triển kinh tế, giúp tạo việc làm cho gần 200 lao động. Ngoài ra để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện Đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp”. Kinh phí thực hiện đề án là 50 tỷ đồng; tính đến tháng 6/2022 đã giải ngân cho 27 đơn vị cấp huyện với tổng số tiền là 40 tỷ đồng cho 358 dự án khởi nghiệp, mô hình phát triển kinh tế tại các địa phương, tạo việc làm ổn định cho 529 lao động…
Anh Trần Ngọc Quảng, xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành, tốt nghiệp Trung cấp ngành điện. Do khó tìm được công việc phù hợp chuyên ngành tại quê hương, anh Quảng đã quyết định cùng gia đình đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Giai đoạn đầu, do còn khó khăn về nguồn vốn nên anh chưa có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.
Từ năm 2017, được vay 100 triệu đồng từ Chương trình Quỹ quốc gia về việc làm, gia đình anh đã mở rộng trang trại, phát triển kinh tế theo hướng kết hợp nông, lâm, ngư nghiệp. Hiện nay, mỗi năm doanh thu của trang trại đạt từ 400-500 triệu đồng, tạo việc làm cho 5-7 lao động.
Với anh Dương Ngọc Trường ở xã Thạch Sơn, huyện Thạch Thành, hiện là chủ doanh nghiệp Befine với 4 xưởng sản xuất và một nhà máy chuyên sản xuất tinh dầu. Chàng trai 25 tuổi cho biết trước khi gặt hái được những thành công như hiện nay, anh đã trải qua gần chục dự án khởi nghiệp thất bại. Trước khi bén duyên với tinh dầu, năm 17 tuổi Trường đã thử sức với trồng rau sạch, làm miến dong nhưng đều không thành công. Vốn đam mê giống cây thảo mộc, dược liệu, đến năm 2017, Trường quyết định bảo lưu kết quả học tập ở giảng đường và về quê vay vốn khởi nghiệp từ giống cây sả chanh bản địa.
Giai đoạn đầu, vô vàn khó khăn ập đến, từ vốn cho tới công nghệ, chất lượng sản phẩm. Có những mẻ không đạt chất lượng, anh phải tiêu huỷ hàng chục lít tinh dầu. Trường nhanh chóng nghiên cứu, tìm các chuyên gia trong ngành, học hỏi các nhà sản xuất đang làm tinh dầu tốt nhất ở Việt Nam.
Năm 2019, chàng trai trẻ tiếp tục phát triển thêm nước hoa thiên nhiên: nước hoa hồng, nước hoa nhài, nước cất tía tô bằng việc trồng thêm hoa hồng, hoa nhài, tía tô… theo tiêu chí sạch không hóa chất và nước hoa sen, hoa bưởi… thu mua ở các vùng nguyên liệu sạch. Khi làm thêm các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, Ngọc Trường được rất nhiều người đón nhận mở rộng thêm hợp tác với các spa, cơ sở đông y… Mỗi năm doanh nghiệp nhỏ của Trường đang tiêu thụ khoảng 500 tấn nguyên liệu, chế xuất hàng nghìn lít tinh dầu và hàng trăm nghìn sản phẩm được đưa ra thị trường. Tới nay đã cho ra thị trường 17 loại tinh dầu, gồm có: sả, quế, tràm, vỏ bưởi, vỏ quýt... Hiện chàng trai trẻ cũng đã phát triển được 300 đại lý, nhà phân phối các sản phẩm trên cả nước. Theo đó, trong năm 2021 vừa qua, doanh thu của chàng trai 9X quê Thanh Hóa đạt 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động thời vụ với mức lương bình quân 5 triệu/ tháng.
Anh Lê Văn Châu, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa cho biết, thông qua các nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế đã góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, nhiều mô hình hay, cách làm mới phát triển kinh tế của thanh niên được xây dựng, phát triển, nhiều doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được thành lập mới, giải quyết thêm nhiều việc làm, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.