Tham dự có oong Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN - Chủ tịch hội đồng và bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Phó Chủ tịch thường trực hội đồng chủ trì cuộc họp cùng đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện Hội sinh viên Việt Nam, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch.
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng - Chủ tịch hội đồng cho biết: Ngày 03/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 25/7/2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 1042/QĐ-LĐTBXH về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án “ Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”.
Mục tiêu của Đề án nhằm tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
“Để triển khai Quyết định số 1042/QĐ-LĐTBXH về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án “ Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”, Tổng cục GDNN đã có văn bản hướng dẫn yêu cầu các trường trong hệ thống các cơ sở GDNN triển khai nghiêm túc Đề án, trong đó có tiêu chí cụ thể yêu cầu các trường thực hiện như: Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án; Ban hành bộ quy tắc ứng xử; Xây dựng mô hình văn hóa tiêu biểu trong nhà trường’ - ông Đỗ Năng Khánh thông tin.
Theo ông Đỗ Năng Khánh, hiện toàn bộ hệ thống các cơ sở GDNN đã triển khai tích cực và Tổng cục GDNN có tổ chức lựa chọn ra các mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu trong các cơ sở GDNN.
“Đơn vị thường trực đã chuẩn bị tổng hợp các hồ sơ rất chi tiết và kỹ lưỡng, các thành viên hội đồng sẽ rà soát, thảo luận và lựa chọn các mô hình, đảm bảo đúng các tiêu chuẩn đã được Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phê duyệt” – ông Đỗ Năng Khánh yêu cầu.
Bà Trần Minh Huyền, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng cho biết: Sau 3 tháng triển khai, qua hai vòng xét chọn từ cơ sở, các trường lựa chọn, giới thiệu và Sở LĐ-TBXH chủ trì xét chọn hồ sơ từ các cơ sở, các trường đề nghị, đến thời điểm xét chọn vòng 3, Tổng cục GDNN đã nhận được 73 hồ sơ mô hình văn hóa ứng xử do Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Đinh, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Cà Mau gửi đề nghị xét chọn.
Theo bà Trần Minh Huyền, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là một hoạt động giáo dục hệ giá trị, các chuẩn mực văn hóa giúp cho các thành viên trong nhà trường có nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói đúng, suy nghĩ, tình cảm, hành vi tốt đẹp, thực hiện văn hóa lành mạnh để nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng thời, việc vận động xây dựng các mô hình văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Với Tiêu chuẩn xét chọn các mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu dành cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo tính mới, tính sáng tạo và tính hiệu quả. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải ban hành Bộ Quy tắc ửng xử trong nhà trường; tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện Đề án văn hóa ứng xử trong trường học…
“Với tinh thần trách nhiệm, đơn vị thường trực đã phân công tổng hợp, rà soát và họp nhiều lần để đưa ra báo cáo và danh sách tham mưu cho hội đồng’ – bà Trần Minh Huyền thông tin.
Tại cuộc họp, các đại biểu thành viên Hội đồng đã rà soát danh sách đề nghị xét chọn từ các Sở LĐ-TBXH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gửi về. Hội đồng đã tập trung thảo luận, đánh giá từng mô hình cụ thể với tinh thần công tâm, trách nhiệm để xét chọn.
Trên cơ sở thảo luận, đánh giá, các vòng trao đổi, thảo luận Hội đồng xét chọn đã tiến hành bỏ phiếu lựa chọn ra các mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu năm 2021 đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét biểu dương.
Đây là lần đầu tiên, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp tổ chức xét chọn và đề nghị biểu dương các mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu trong khuôn khổ của Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7 năm 2021.