Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH giao lãnh đạo các Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, liên đoàn lao động cấp tỉnh và các đơn vị liên quan, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp gặp khó khăn khi bị cắt đơn hàng, giảm việc làm của người lao động.
Từ tình hình thực tế, các đơn vị có giải pháp phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi, phát triển thị trường lao động.
Các Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với người lao động, như tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi khác đối với người lao động theo quy định.
Bên cạnh đó, các địa phương phải tăng cường thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp. Đồng thời, các địa phương phải có các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa, giảm thiểu các tranh chấp lao động, đình công phát sinh trên địa bàn.
Trường hợp có tranh chấp lao động, đình công phát sinh, các địa phương cần nhanh chóng nắm bắt tình hình, hỗ trợ các bên tiến hành đối thoại, thương lượng để giải quyết bất đồng. Các địa phương không để đình công xảy ra kéo dài, lan truyền giữa các doanh nghiệp, gây ra tình trạng mất trật tự, an toàn xã hội, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Dương lịch năm 2023.