Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Yếu tố thành công của nguồn nhân lực tại TP.HCM

(Dân sinh) - Trong quá trình hội nhập, thị trường lao động phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực, cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp định hướng.

Các doanh nghiệp tích cực phát triển năng động, quan tâm các chính sách thu hút nguồn nhân lực đặc biệt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Sự đa dạng ngành nghề và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và nhỏ là môi trường phù hợp thu hút lao động là sinh viên tốt nghiệp ra trường còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nghề.

Những ngành nghề nào có xu hướng tuyển dụng cao?

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM, Chuyên gia Dự báo nhân lực cho biết, thị trường lao động đang diễn diễn ra nghịch lý: doanh nghiệp thiếu lao động có trình độ đáp ứng các yêu cầu trong điều kiện hội nhập; nhiều sinh viên, học viên sau khi đào tạo ra trường phải làm trái ngành trái nghề.

Chính vì vậy, thị trường lao động luôn cần nguồn nhân lực rất đa dạng có nghề thuộc các cấp bậc: Đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Do đó, mỗi học sinh, thanh niên cần căn cứ vào năng lực, sở trường và điều kiện để chọn trường học phù hợp sở thích, năng lực. Bằng cấp nghề nghiệp sau này mà mỗi người có được phải gắn liền với kiến thức văn hóa phổ thông và đi đôi với giỏi nghề, có giá trị hành nghề thì đứng vững trong thị trường lao động.

Yếu tố thành công của nguồn nhân lực tại TP.HCM - Ảnh 1.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP.HCM, Chuyên gia Dự báo nhân lực phát biểu tại chương trình Hướng nghiệp

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: Nhu cầu nhân lực trình độ có xu hướng tăng qua các năm, cụ thể: Trình độ Trung cấp và Công nhân kỹ thuật lành nghề năm 2015 là 25,70%, năm 2020 trung bình 32,02%. Trình độ Cao đẳng là 14,05% năm 2015, năm 2020 chiếm trung bình 15,66%. Trình độ Đại học trở lên là 14,87% năm 2015, năm 2020 tỷ lệ trung bình 19,49%.

Những nhóm ngành nghề thuộc nhóm ngành kinh doanh – dịch vụ luôn có xu hướng tuyển dụng cao trong những năm vừa qua. Trong đó nhóm ngành nhân viên kinh doanh – bán hàng là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất (chiếm 25,55% tổng nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng năm 2015 là 23,88%, năm 2018 là 22,96% và năm 2020 chiếm 19,74%); nhóm ngành dịch vụ – phục vụ là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhất, ước tính nhu cầu tuyển dụng lao động nhóm ngành dịch vụ – phục vụ năm 2020 chiếm 15,90%. Kế đến là các nhóm ngành công nghệ thông tin, cơ khí – điện – điện tử, tài chính, du lịch – nhà hàng – khách sạn, kinh tế, kinh doanh,…

Trong giai đoạn 2020 – 2030, nhu cầu nhân lực tại Thành phố Hồ Chí Minh dự báo mỗi năm có khoảng 330.000 chỗ làm việc (150.000 chỗ làm việc tăng thêm). Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân 85%, trong đó nhu cầu nhân lực có Sơ cấp nghề chiếm tỷ lệ 21%, trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ 28%, trình độ cao đẳng chiếm 16%, trình độ đại học trở lên chiếm 18%. Ông Tuấn cho hay.

Thị trường lao động mở với 05 xu hướng việc làm

Dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao đối với thị trường lao động trong nước. Đồng thời sự thiếu hụt lớn về nhân lực ngành công nghệ kỹ thuật, nhóm ngành chủ lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến trình cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi tác động của khoa học công nghệ ngày càng mạnh mẽ, sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hóa và robot. 

Yếu tố thành công của nguồn nhân lực tại TP.HCM - Ảnh 3.

Định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết, hiện thị trường lao động mở với 5 xu hướng việc làm đó là: Các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế; Khu vực kinh tế phi chính thức (lao động tự do các nhóm ngành dịch vụ, phục vụ và tiểu thủ công nghiệp); Xuất khẩu lao động làm việc ở nước ngoài; Di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh thành, khu vực kinh tế và quốc gia và hội nhập; Khởi nghiệp và tự tạo việc làm.

Đồng thời nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai đã thay đổi, máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. Đó là "Lao động tri thức" kể cả lực lượng công nhân có thể vận hành máy móc tự động hóa, giải quyết các sự cố mà robot không thể làm thay. Từ đó, cho thấy thị trường Việt Nam đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực này. Trong bối cảnh nhiều công việc bị thay thế bởi robot, con người cần thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc để có thể sống và làm việc với robot.

Giáo dục nghề nghiệp là cánh cửa mở ra cơ hội

Những năm gần đây, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của Quốc gia, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh phát triển khá nhanh, quy mô đa ngành nghề, nhân lực luôn được đào tạo bổ sung, đào tạo lại để thay thế các vị trí không còn phù hợp hoặc chỗ làm việc mới theo yêu cầu trình độ, chất lượng lao động, ngành nghề chuyên môn với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực. Sự thay đổi tích cực về nhận thức và các giải pháp đầu tư nâng cao đào tạo gắn với sử dụng lao động, cân đối trình độ đào tạo với nhu cầu nhân lực theo ngành nghề để thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thúc đẩy nguồn nhân lực đặc biệt đối với thanh niên về tự học tập, nâng cao trình độ đào tạo và các kỹ năng nghề.

Yếu tố thành công của nguồn nhân lực tại TP.HCM - Ảnh 4.

Giáo dục nghề nghiệp là cánh cửa mở ra cơ hội

Ông Tuấn chia sẻ, thị trường lao động và các doanh nghiệp đang quan tâm tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động, thay vì việc chỉ quan tâm tới bằng cấp như thời kỳ trước đây. Học trung cấp là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này.

Vì vậy, động lực và kế hoạch nghề nghiệp tốt nhất chính từ chính mình. Những người khác có thể cố gắng khuyến khích chúng ta nhưng chính mình lại là người duy nhất có thể đạt được những gì mình mong muốn.

Trong suốt thời gian học nghề, sẽ có rất nhiều lựa chọn, hãy coi các lựa chọn này như những cơ hội. Đừng cho phép bản thân phải gánh chịu nhiều vấn đề; thực sự chỉ là những thách thức. Hãy rèn luyện bản thân ngay từ đầu để dành thời gian và sức lực của mình vào việc tìm ra giải pháp cho những thách thức của mình chứ không phải để phàn nàn. Phải thay đổi thái độ và rèn luyện lại quá trình tư duy của mình.

Yếu tố thành công của nguồn nhân lực tại TP.HCM - Ảnh 5.

Động lực và kế hoạch nghề nghiệp tốt nhất chính từ chính mình.

Giáo dục nghề nghiệp là cánh cửa mở ra cơ hội. Thứ tài sản và kỹ năng quý giá nhất của người thanh niên trong cuộc sống cũng như trên thương trường chính là khả năng tự học áp dụng kiến thức nghề vào cuộc sống của mổi người.

Kết quả thành công trong thị trường lao động hiện tại và tương lai không chỉ là bằng cấp trên giấy tờ, mà là "giá trị sức lao động", "giá trị hành nghề", bằng cấp theo nghĩa mở rộng, trao đổi tri thức, sáng tạo, giá trị đóng góp cho xã hội. Ông Tuấn nói.