Bộ NN-PTNT đã trực tiếp kết nối Tập đoàn Miratorg của Nga và Tập đoàn Masan của Việt Nam để đẩy nhanh việc hợp tác nhập khẩu, phân phối, tiêu thụ thịt lợn.
Theo đó, Bộ NN-PTNT đề nghị hai đơn vị này nhanh chóng kết nối, thương thảo hợp đồng để sớm đưa các sản phẩm thịt lợn của Nga tới tay người tiêu dùng, qua đó góp phần giảm áp lực nguồn cung thịt lợn trong nước.
Đại diện tập đoàn Miratorg kỳ vọng trong năm 2020 này sẽ xuất khẩu sang thị trường Việt Nam trên 50.000 tấn thịt lợn và tăng dần ở các năm tiếp theo.
Cục Thú y cũng đang đề nghị hai doanh nghiệp khác của Nga hoàn thiện một số thủ tục, giấy tờ còn thiếu theo quy định của Việt Nam và quốc tế để tiếp tục cấp phép xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), tính đến ngày 15/3, Việt Nam đã nhập khẩu gần 25.300 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nguồn nhập khẩu từ Canada 29,35%, Đức 19,43%, Ba Lan 11,83%, Brazil 9,98%, Hoa Kỳ 5,53%.
Thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh tái đàn để tăng nguồn cung trong nước, Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu; đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 lây lan diện rộng, các nước ngừng nhập cảnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ này cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu mặt hàng thịt lợn. Đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.
Việc đẩy mạnh nhập khẩu mặt hàng thịt lợn được xem là giải pháp để giảm áp lực nguồn cung trong nước, đồng thời giúp mặt hàng này dần hạ nhiệt khi đã neo giá cao trong một thời gian quá dài.