Nhiều chính sách giảm nghèo
Theo kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2019 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Tiền Giang có 12.629 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,51% so tổng số hộ toàn tỉnh (502.321 hộ) đạt 116% so với kế hoạch.
Trao đổi với PV báo điện tử Dân sinh, ông Phạm Minh Trí, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang cho biết, thời gian qua xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh nên công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương quan tâm, chỉ đạo. Trong đó, tập trung nguồn lực triển khai nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả trong công tác giảm nghèo, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh được kiện toàn, hoạt động có hiệu quả, thực hiện khá tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, UBND điều hành lãnh đạo thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương; đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách, chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy chính quyền, các tổ chức hội đoàn thể, đặc biệt là của người nghèo, cận nghèo về tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa công tác giảm nghèo để mọi người đồng lòng, cùng chung tay thực hiện giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ can thiệp cụ thể nhằm giải quyết khó khăn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua đó góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội.
"Để đảm bảo thực hiện các chính sách giảm nghèo có hiệu quả, tỉnh đã xây dựng các giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019. Nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã được áp dụng và triển khai tới các hộ nghèo, cận nghèo, đáp ứng được nhu cầu của người dân.", ông Trí cho biết thêm.
Cụ thể, trong năm Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho 24.942 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn từ các chương trình hỗ trợ (hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, xuất khẩu lao động, làm nhà ở,...) với tổng số tiền hơn 715,812 tỷ đồng; Đã mua và cấp thẻ BHYT cho 45.216 người nghèo, tổng kinh phí 22,866 tỷ đồng; Số người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ mua thẻ BHYT 55.527 người, tổng kinh phí 28,551 tỷ đồng; Tỉnh cũng hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, từ nguồn kinh phí Trung ương, đến nay các huyện, thành, thị đã cấp cho 16.097 hộ nghèo kịp thời, số tiền trên 10,358 tỷ đồng.
Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo tính đến cuối năm 2019 đã có 69 hộ làm thủ tục vay vốn từ ngân hàng CSXH, kinh phí 1,695 tỷ đồng. Nâng tổng số hộ được hỗ trợ đến nay là 1.041 hộ, kinh phí: 26,095 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác dạy nghề cho các hộ nghèo cũng được tỉnh ưu tiên triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2.479 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo, các ngành nghề đào tạo chủ yếu là lái xe, tàu thủy nội địa, nghề may công nghiệp, sửa chữa thiết bị may, các nghề nông nghiệp.
Hiệu quả từ các mô hình giảm nghèo
Cũng theo ông Trí, bên cạnh việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, thời gian qua tỉnh cũng đã chú trọng giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn vốn, áp dụng và nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu để áp dụng KH-KT vào sản xuất. Các chính sách hỗ trợ, các dự án lồng ghép khác của các dự án giảm nghèo cũng đã kịp thời giúp người nghèo ở các địa phương có điều kiện phát triển sản xuất, giải quyết việc làm tăng thêm thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Nhiều mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 dành cho các hộ nghèo, cận nghèo được sở triển khai đến từng địa phương kịp thời và hiệu quả như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; Chương trình; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin: Nâng cao năng lực, giám sát đánh giá…
Cùng với đó, tỉnh cũng đã triển khai tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo như: Xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật: 5 mô hình "Quản lý bệnh thối rễ, chết cành trên mãng cầu xiêm" (3 mô hình tại huyện Tân Phú Đông, 2 mô hình tại huyện Gò Công Tây với quy mô mỗi mô hình là 0,2 ha); 10 mô hình "Quản lý bệnh đốm nâu trên thanh long" tại các huyện Chợ Gạo, Tân Phước và Gò Công Tây; 5 mô hình "Quản lý bệnh khô cành thối rễ trên cây Vú Sữa" tại huyện Cai Lậy, Châu Thành và Cái Bè. Hiện các mô hình đã được hướng dẫn phòng trừ dịch hại theo quy trình.
Từ các nguồn lực đầu tư của Trung ương, địa phương và triển khai các chính sách, giải pháp giảm nghèo hiệu quả nên tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh cuối năm 2019 giảm còn 2,51% (giảm 0,89% so với cuối năm 2018), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là còn 2,99%. Ngoài ra, Tiền Giang cũng phấn đấu trong năm 2020, hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 11.279 hộ (giảm 1.600 hộ nghèo, tương đương giảm tỷ lệ 0,27%), ông Trí chia sẻ.
Mặc dù vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo; những điển hình về giảm nghèo ngày càng được nhân rộng. Kết quả chương trình giảm nghèo đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và đảm bảo an sinh xã hội.