Theo Cục Thuế Hà Nội, thời gian qua, Cục Thuế đã nhận diện, phân loại và thu thập dữ liệu các đối tượng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để có những biện pháp quản lý cụ thể. Về cơ bản 3 nhóm đối tượng chính, gồm: Các cá nhân kinh doanh, bán hàng qua mạng xã hội; tổ chức, cá nhân cung cấp các ứng dụng, sản phẩm trên Google Play, Apple Store, YouTube...; tổ chức cung cấp dịch vụ, bán hàng (website, ứng dụng bán hàng, sàn thương mại điện tử, cho thuê nhà).
Trên thực tế, Cục Thuế Hà Nội thường xuyên phối hợp với các tổ chức tín dụng, nhà mạng để có dữ liệu thông tin về hoạt động kinh doanh. Từ đó, Cục Thuế vận động các cá nhân tự động kê khai và nộp thuế. Tính đến tháng 12-2020, hệ thống dữ liệu của ngành Thuế đã quản lý thu của các cá nhân có hoạt động từ Google, Facebook, YouTube…, đến nay, trên 300 cá nhân đã nộp thuế. Cùng với đó, Cục Thuế Hà Nội xây dựng cơ sở dữ liệu hơn 2.000 địa chỉ cho thuê nhà, trên 31.200 cửa hàng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để thực hiện công tác quản lý thuế.
Từ ngày 1-7-2020, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định về quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử. Nhờ vậy, trong năm 2020, Cục Thuế Hà Nội thu thuế từ thương mại điện tử đạt 123 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với năm 2019.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Viên Viết Hùng cho hay, hiện nay, việc quản lý thuế với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử gặp một số khó khăn như: Người nộp thuế chưa chủ động tìm hiểu, nắm bắt quy định pháp luật về thuế; loại hình kinh doanh thương mại điện tử đa dạng trên nhiều nền tảng, không biên giới, đòi hỏi cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp, rõ ràng, dễ tuân thủ; cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, các cơ quan chức năng trong quản lý...