Cuối tuần qua (29/11), tại Vĩnh Long Hội nghị Thúc đẩy công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại các tỉnh ĐBSCL (Đồng bằng sông Cửu Long) đã diễn ra thành công ngoài mong đợi. Hội nghị rút ra nhiều giải pháp, kinh nghiệm quý giá nhằm thúc đầy mạnh mẽ công tác đưa người lao động tại các tỉnh ĐBSCL đi làm việc ở nước ngoài.
Nguồn lao động ở khu vực ĐBSCL có tiềm năng lớn
Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Tống Hải Nam cho biết: trong những năm qua việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được chú trọng. Thống kê sơ bộ đến nay đã có hơn 130.000 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài.
13 tỉnh ĐBSCL có tiềm năng, nguồn lực lao động rất lớn, thống kê từ năm 2016 đến tháng 10/2019 tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài của các tỉnh ĐBSCL là 30.645 lao động, tập trung vào các thị trường chính là Nhật Bản (19.172 lao động) và Đài Loan (10.279 lao động).
Tuy nhiên, tại ĐBSCL chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn yếu, tay nghề người lao động còn hạn chế và cần phải gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp, lao động - việc làm và xuất khẩu lao động để nâng cao chất lượng lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội.
Là một trường Đại học nắm bắt xu hướng và đẩy mạnh công tác đưa sinh viên sang thực tập sinh và làm việc ở các thị trường lao động nước ngoài, PGS.TS. Cao Hùng Phi, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long chia sẻ kinh nghiệm: Nhà trường linh hoạt điều chỉnh chương trình đào tạo nhằm trang bị kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, liên kết với các doanh nghiệp, các tổ chức đào tạo như Đại học Tongmyong Hàn Quốc, Trường Cao đẳng Seneca Canada, Công ty Esuhai…
Cụ thể trong năm 2017 và 2018 Nhà trường phối hợp với Công ty Esuhai đưa 132 sinh viên sang Nhật Bản làm việc. Và ngày 30/11 vừa rồi là đợt xuất cảnh thứ 3 Nhà trường phối hợp với Công ty Esuhai đưa 103 sinh viên sang Nhật làm việc.
Tạo ra nhiều cách để người dân tiếp cận thông tin xuất khẩu lao động hợp pháp
Tại ĐBSCL hiện nay lực lượng thanh niên trong độ tuổi lao động dồi dào, rất khát khao tham gia chương trình xuất khẩu lao động để thay đổi đời sống, người lao động ở khu vực này có tính cách thật thà, hòa đồng, thân thiện, được các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao.
Một kinh nghiệp hay được ông Trần Văn Khái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long chia sẻ tại hội nghị là: Để người dân có thông tin, xóa bỏ nghi ngại về xuất khẩu lao động, Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Long mất 2 năm để tham mưu, thuyết phục Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân ra được Nghị quyết về công tác này. Nghị quyết giao hẳn chỉ tiêu giải quyết việc làm cho từng huyện, từ tháng 10/2019 đã chốt chỉ tiêu cho cho 2020, vì thế mà có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, tạo ra kết quả đột phá. Công tác đưa người đi lao động đi làm việc ở nước ngoài trở thành 10 sự kiện tiêu biểu của tỉnh năm 2018 - 2019.
Ngoài ra Vĩnh Long còn tạo cơ chế mở, cho phép các doanh nghiệp không phải thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm (trung tâm) mà đến thẳng các địa phương tuyển lao động trực tiếp, chỉ cần báo với địa phương là được. Trước đây thì phải qua trung tâm, và chỉ cho đi 1 đến 2 địa phương. Thậm chí chính quyền cấp xã được quyền đi tham quan tìm hiểu học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác, hay tại các doanh nghiệp bên ngoài...
"Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh đưa vào Nghị quyết giao chỉ tiêu xuống các huyện thực hiện, tạo sự lan tỏa truyền thông trong người dân, trở thành 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của năm" - Ông Trần Văn Khái - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Long
Cũng theo ông Khái, chính những người đi lao động nước ngoài trở về là một kênh tuyên truyền hiệu quả ở các xã ấp xa xôi, họ truyền miệng nhau qua các đám giỗ, đám cưới, cách này khá hiệu quả.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, một số người dân vẫn còn mơ hồ với các thông tin truyên truyền về xuất khẩu lao động. Nhiều thanh niên khi tham gia các buổi tư vấn xuất khẩu lao động vẫn thờ ơ với các thông báo tuyển dụng vì vẫn mang tư tưởng "miền Tây trù phú không sợ thiếu cái ăn".
Chia sẻ kinh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Công ty Hoàng Long CMS cho biết: "Ở vùng ĐBSCL có 2 tỉnh phát triển mạnh phong trào đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Cốt lõi là có chính sách hỗ trợ cụ thể, như vay vốn, giao chỉ tiêu về từng huyện, truyền thông hiệu quả".
Bà Nguyễn Thị Hoa, Tổng giám đốc Công ty Coopimex chia sẻ gần 20 năm làm trong lĩnh vực XKLĐ ở Miền Tây, khó khăn nhất vẫn là dạy Tiếng Nhật cho học viên, vì giáo viên chủ yếu từ TP.HCM điều xuống, không bám trụ lâu, Công ty phải vận dụng lấy giáo viên tại chỗ như Bến Tre dạy cho lớp ở Tiền Giang, mở được 6 khóa, vận động để giáo viên Bến Tre ở lại dạy. Công ty còn đồng hành đầu vào với các trường, và hướng nghiệp ngay từ đầu, được miễn học phí học Tiếng Nhật, trao học bổng, nhà tình nghĩa...
Phân luồng lao động địa phương, giải quyết vướng mắc về tạm hoãn nghĩa vụ quân sự để học viên không bị dở dang học tập đi lao động nước ngoài cũng là vấn đề nóng được doanh nghiệp quan tâm.
Tổng kết các ý kiến hội nghị, ông Tống Hải Nam cho rằng cần làm thay đổi ý thức người dân như Vĩnh Long đã làm với 13 tỉnh ĐBSCL, không coi đây là giải pháp tình thế mà nên đẩy mạnh quyết liệt, đưa vào Nghị Quyết thực hiện, cần có chi phí truyền thông hỗ trợ công tác xuất khẩu lao động.
Đồng thời đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, thanh tra để hạn chế, loại ngay các "công ty ma", nếu bất cứ doanh nghiệp nào thu phí cao hơn quy định, phát hiện có thể báo ngay Cục - ông Tống Hải Nam - Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước nhấn mạnh.