Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Những đứa trẻ chào đời giữa "bão dịch"

(Dân sinh) - "Bác ơi, ca của bác gửi vô để mổ, dương tính rồi!" - đó là một trong những câu nói mà TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa Phụ Sản, BV Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 2) không muốn nghe giữa lúc này. Nhưng thỉnh thoảng vẫn phải nghe - nghe và lập tức lên một loạt "kế hoạch" cho những bước tiếp theo...

"Cũng chuẩn bị tinh thần hết rồi, nhưng cái cảm nhận khi nhận được tin, thật khó tả" - BS Trung chia sẻ về một trong những "phản ứng" đầu tiên khi nhận được tin một trong số những bệnh nhân mà mình vừa khám trước đó có kết quả xét nghiệm dương tính.

Vậy là, mọi chuyện phải tạm ngưng ít nhất 1-2 tuần. Tự truy vết mình đã gặp ai trong thời gian gần đây... "Xem lại hồ sơ điện tử của thai phụ thấy vừa khám cách đây 4 ngày. Thai phụ có làm test nhanh Covid-19 trước khi đến khám... Rồi tự an ủi, mình cũng đã làm hết cách rồi!", BS Trung tự nhủ.

Thế nhưng, có những điều may mắn đến một cách bất ngờ. "Trưa hôm sau, nhận được tin PCR Covid âm tính. Mừng hết lớn. Hai vợ chồng thai phụ chắc cung như trong cơn mơ", BS Trung chia sẻ.

Những đứa trẻ chào đời giữa "bão dịch" - Ảnh 1.

BS Nguyễn Hữu Trung cùng các cộng sự đón một em bé chào đời giữa mùa dịch bệnh

Trong những tháng ngày qua, BS Trung cùng các cộng sự của mình đã từng đón nhiều em bé chào đời giữa mùa dịch. Trong đó, không ít bé có mẹ đang nhiễm Covid-19. Để chuẩn bị cho những ca sinh nở này - hầu hết đều phải sinh mổ, ekip phẫu thuật phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng tất cả mọi điều kiện, từ phòng áp lực âm, cho tới những bộ đồ bảo hộ, dụng cụ, và đặc biệt là các thao tác phải hết sức cẩn thận để tránh rủi ro cho các thành viên ekip mổ.

"Những phòng phẫu thuật bình thường luôn mát rượi với hệ thống máy lạnh, bộ đồ mặc để phẫu thuật của bác sĩ cũng thoáng mát. Nhưng ở phòng áp lực âm thì tuyệt đối không được mở máy lạnh, các bác sĩ và nhân viên ngoài mặc đồ phẫu thuật, vẫn phải khoác bên ngoài bộ đồ bảo hộ PPE, nên rất nóng bức. Phẫu thuật là một công việc hết sức căng thẳng, lại phải làm trong điều kiện nóng bức như vậy, nên mồ hôi bác sĩ lúc nào cũng chảy ròng ròng, mắt cay xè, nhưng không thể đưa tay lên quệt mồ hôi. Cứ đành chịu vậy trong suốt ca mổ. Khi mổ xong nhớ lại mới nhận ra, hình như mình mổ chỉ bằng... một mắt", BS Trung kể.

Dịch bùng phát dữ dội, nhưng số ca sinh nở vẫn... ở mức bình thường. Việc sinh nở vốn đã khó khăn, phức tạp, giờ càng khó khăn, phức tạp gấp bội. Đặc biệt, với lực lượng bác sĩ Sản, bên cạnh đảm bảo chất lượng chuyên môn còn phải nghiêm túc thực hiện các quy trình an toàn phòng dịch. Vì vậy, họ đón mỗi em bé chào đời vào giữa lúc này với một tâm thế và tình cảm rất đặc biệt. Càng đặc biệt hơn, khi đón những em bé được sinh ra từ những thai phụ đang mắc Covid-19. Bởi họ biết hành trình đến với cuộc sống của những em bé này sẽ khó khăn ngay từ những ngày đầu - hoàn toàn không giống với những bé được sinh ra trong điều kiện bình thường trước đây.

"Cảm nghĩ đầu tiên của chúng tôi khi đón một bé chào đời trong phòng áp lực âm, giữa muôn trùng nguy cơ vây quanh, là cầu chúc cho bé luôn được bình an, mong cho cuộc đời của bé sẽ không phải thêm những lần đối mặt với những thách thức quá lớn lao, nghiệt ngã như cha mẹ bé cùng bao người đã và đang phải trải qua", BS Trung chia sẻ.

Hiện Bộ Y tế đã cho phép tiêm vaccine Covid-19 cho phụ nữ đang mang thai. Điều này sẽ giúp hạn chế số thai phụ mắc Covid-19, những em bé chào đời sẽ đỡ phải đối mặt với nhiều hiểm nguy. Điều này giúp các bác sĩ khoa sản phần nào gánh nặng. Tuy nhiên, phía trước vẫn sẽ là những ngày căng thẳng đối phó với dịch bệnh, những ca mổ trong điều kiện phải bảo hộ nghiêm ngặt và vô cùng bận rộn của các y, bác sĩ ...