Hiện nay tình trạng các em học sinh đi thuyền hàng ngày nhưng không có thói quen sử đụng các dụng cụ nổi hay mặc áo pháo diễn ra khá thường xuyên. Điều này xuất phát từ việc chủ quan từ chính bản thân các em, nhưng một phần từ các chủ tàu thuyền thiếu ý thức nhắc nhở cho dù đã ký kết các quy định về kinh doanh hoạt động vận tải đường thủy nội địa.
Do đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi các phương tiện đò ngang, các bậc phụ huynh hoặc người quản lý các em cần đặc biệt chú ý nhắc nhở việc sử dụng các dụng cụ nổi, mặc áo phao và các dụng cụ cứu sinh. Hướng dẫn cho các em các bước lên các phương tiện đò ngang an toàn.
Cùng với đó, việc nắm bắt vị trí tàu cứu sinh cũng như cung cấp thông tin liên lạc cho các em trong trường hợp xảy ra sự cố có ý nghĩa hết sức quan trọng. Những bước chuẩn bị này trước khi lên đò sẽ đảm bảo an toàn cho trẻ em khi ở trên các phương tiện thủy cũng như có thể giúp ích khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, có thể trang bị cho trẻ điện thoại liên lạc để trong trường hợp cần thiết kêu gọi sự hỗ trợ ngay lập tức.
Để an toàn nhất khi tham gia giao thông đường thủy, cần cung cấp những kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết cho trẻ để có thể xử lý được những tình huống nguy hiểm bất ngờ. Trong đó, cần thực hiện đúng các nguyên tắc sau: Mặc sẵn áo phao cho trẻ em khi đi tàu thủy, đò, thuyền... (không mặc áo phao bơm hơi vì loại này để bị thủng). Chỉ lên thuyền, đò khi có đủ chỗ ngồi cho mình. Không chen lấn, xô đây và đùa nghịch khi đi thuyền đò.
Dạy các em ngồi trật tự tại chỗ của mình, nghiêm túc và tuyệt đối tuân thủ theo những quy định an toàn trên tàu, không thò tay, chân ra ngoài cửa sổ, không nghịch các thiết bị trên tàu. Ghi nhớ các vị trí đặt các dụng cụ cần thiết khi đi tàu, thuyền như: Nơi để phao, áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh. Trong trường hợp phát sinh các sự cố, cần bình tĩnh tuân theo hướng dẫn của thuyền trưởng và không được hoảng loạn cũng như làm người đi tàu khác mất bình tĩnh, hoảng loạn theo.
Nếu xảy ra hỏa hoạn trên tàu và cửa bị đóng chặt thì hãy cố gắng phá cửa kính và thoát khỏi thông qua chỗ đó. Nếu không thể phá vỡ kính, hãy lấy vải, quần áo thấm nước quấn quanh đầu và cố gắng băng qua chỗ có lửa, khói. Buộc chặt dây giày đề tránh việc bị vấp, gã khi đi lại trên tàu, thuyền. Chỉ rời tàu khi có thông báo của thuyền trưởng và theo hướng dẫn của người có trách nhiệm. Những hàng ghế đầu tiên trên tàu được ưu tiên dành cho phụ nữ, trẻ em, người tàn tật và người già.
Khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, trong trường hợp có thuyền cứu sinh của các lực lượng giải cứu, trẻ em cần phải tuân thủ một số nguyên tắc để đảm bảo an toàn: Trẻ em rời phương tiện thủy để xuống thuyền cứu sinh theo sự hướng dẫn của người chịu trách nhiệm trên tàu khi xảy ra sự cố. Cố gắng mang thêm chăn, quần áo, nước uống và thức ăn lên thuyền cứu sinh. Nếu buộc phải nhảy từ phương tiện thủy xuống nước, ngậm miệng và bịt mũi bằng một tay và tay thứ hai giữ chặt lấy áo phao. Trong trường hợp chưa có thuyền cứu sinh, khi ở dưới nước, hãy huýt sáo hoặc giơ cánh tay lên để gây sự chú ý đến người có thể giúp đỡ hoặc các lực lượng cứu nạn, cứu hộ.
Trong môi trường nước, nên hạn chế di chuyển để giữ ấm cho cơ thể. Trên thực tế cho thấy, mất nhiệt cơ thể trong nước xảy ra nhanh hơn nhiều lần so với trong không khí. Do đó, các chuyển động ngay cả trong nước ấm cũng nên được giảm xuống để giữ cho cơ thể nổi trên mặt nước. Luôn cố gắng giữ nhiệt độ cơ thể bằng cách 2 tay ôm chặt lấy áo phao, nâng cơ thể lên cao hơn so với mặt nước bằng việc cong 2 đầu gối. Điều này sẽ giúp cho khả năng sống sót trong môi trường nước tăng lên 50%. Đưa đầu lên trên mặt nước nếu có thể vì khoảng 50°C nhiệt độ cơ thể bị mất từ phần đầu.
Nếu trẻ không có áo phao, hãy tìm một số vật thể nổi và lấy nó để dễ dàng giữ cho cơ thể nổi lên cho đến khi nhân viên cứu hộ đến. Đôi khi có thể cho cơ thể nghỉ ngơi trong một thời gian ngắn bằng việc nằm ngửa trên mặt nước. Nếu thuyền bị lật và có những người khác trong nước cùng thì hãy cố gắng tiến sát và vòng tay ôm lấy nhau. Điều này sẽ giúp tăng cơ hội được nhìn thấy và được giải cứu.