Ngày 28/4, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng khi một số quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, các chính phủ và người sử dụng lao động cũng phải chuẩn bị môi trường làm việc và đảm bảo người lao động có thể trở lại làm việc an toàn để ngăn chặn nguy cơ dịch viêm đường hô hấp COVID -19 tái bùng phát.
Trong báo cáo mới công bố, cơ quan chuyên trách các vấn đề về người lao động của Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo môi trường làm việc đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe và nghề nghiệp nghiêm ngặt trước khi cho người lao động trở lại làm việc để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus SARS - Cov-2.
Trong báo cáo mới đưa ra, ILO cảnh báo nếu thiếu các biện pháp kiểm soát, các quốc gia sẽ đứng trước nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh, chỉ ra những nguy cơ khi để người lao động trở lại môi trường làm việc và nhấn mạnh cần chuẩn bị tốt cho việc nối lại hoạt động sản xuất.
Báo cáo của ILO cũng nhấn mạnh người sử dụng lao động có thể giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát do người lao động lây nhiễm tại nơi làm việc bằng việc áp dụng hàng loạt biện pháp.
Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nêu rõ sự an toàn và sức khỏe của toàn bộ lực lượng lao động phải là mục tiêu tối thượng.
Ông nhấn mạnh khi đối mặt với dịch bệnh, việc bảo vệ người lao động chính là bảo vệ cho cả cộng đồng và đảm bảo các doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định trong tình hình mới.
Để làm được điều đó chỉ có cách áp dụng các biện pháp đảm bảo y tế và an toàn nghề nghiệp để bảo vệ tính mạng cho người lao động, cho người thân của họ và các cộng đồng, đảm bảo duy trì công việc và hoạt động của nền kinh tế.
Báo cáo của ILO lưu ý các biện pháp kiểm soát nguy cơ nên được điều chỉnh đặc biệt theo nhu cầu của người lao động ở tuyến đầu như nhân viên y tế và những người làm việc trong lĩnh vực bán lẻ thực phẩm, nhưng những nơi làm việc khác cũng cần các chiến lược để ứng phó với mối đe dọa từ COVID-19.
Cụ thể, người sử dụng lao động nên tìm hiểu và vạch rõ những vấn đề và đánh giá nguy cơ lây nhiễm liên quan tới mọi hoạt động sản xuất và làm việc, và nên tiếp tục đánh giá tình hình sau khi nối lại hoạt động.
Người sử dụng lao động cũng nên áp dụng các biện pháp kiểm soát nguy cơ phù hợp với từng lĩnh vực và từng môi trường làm việc, ví dụ như giảm tương tác trực tiếp giữa người lao động, nhà thầu, khách hàng và người tới thăm, cải thiện hệ thống thông khí, thường xuyên vệ sinh các bề mặt tiếp xúc và cung cấp các thiết bị bảo hộ như khẩu trang cho người cần sử dụng.
Theo chuyên gia an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của ILO Manal Azzi, điều quan trọng nhất là nhắc nhở người lao động về các quy định vệ sinh dịch tễ như thường xuyên rửa tay, che miệng khi hắt hơi hoặc ho, giữ khoảng cách phù hợp.
Bà Azzi cho biết sẽ vẫn có những người lơ là các quy định trên nên điều cơ bản nhất là phải luôn chú trọng nâng cao nhận thức về vệ sinh dịch tễ.
Bà cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên để cửa luôn mở để người ra vào không phải chạm vào bề mặt tiếp xúc là các tay nắm cửa. Người sử dụng lao động cũng nên hỗ trợ về sức khỏe tinh thần cho người lao động.
Tới nay, dịch bệnh COVID-19 đã khiến hơn 200.000 người trên toàn thế giới tử vong và ảnh hưởng tới khoảng 3 triệu người, tác động mạnh tới các nền kinh tế và doanh nghiệp toàn cầu.
Sau nhiều tuần, các biện pháp hạn chế được áp dụng khiến hơn 50% dân số toàn cầu phải ở trong nhà, hạn chế đi lại.
Hiện nhiều chính phủ và người sử dụng lao động rất mong muốn được khởi động trở lại hoạt động sản xuất và kinh doanh.
Báo cáo của ILO được đưa ra khi nhiều nước châu Âu đang bắt đầu dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế trong khi giới chức Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế hồi tháng trước, lại ngày càng lo ngại dịch bệnh có thể tái bùng phát./.