Động cơ 1.5 turbo
Honda trang bị động cơ mới dung tích 1.5 lít VTEC Turbo thay phiên bản động cơ xăng thường dung tích 2.4L thế hệ trước đó của hãng. Với công suất 188 mã lực tại dải vòng tua 5.600 vòng một phút và mô men xoắn 240 Nm tại dải vòng tua từ 2.000 tới 5.000 vòng một phút, Honda CR-V có khả năng tăng tốc từ 0 đến 100 km/h dưới 10 giây nhờ mô men xoắn cực đại đến từ vòng tua thấp và khả năng duy trì lâu hơn do dải vòng tua khá rộng.
"Điều này tạo nên sự phấn khích khi lái xe trên cao tốc và an toàn hơn khi vượt các xe khác khi cần nhưng cũng tiết kiệm nhiên liệu khi di chuyển trong đô thị", đại diện Honda chia sẻ.
Động cơ 1.5 Turbo của Honda tạo sự khác biệt, nhờ công nghệ Earth Dreams với 2 chế độ van biến thiên hoạt động ở vòng tua thấp và cao giúp tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời giúp tối ưu công suất của xe. Earth Dreams Technology còn được bổ trợ bởi công nghệ phun nhiên liệu trực tiếp Direct Injection của Honda với khả năng tối ưu nhiên liệu vào buồng đốt xy lanh. Nhờ công nghệ này, hiệu suất của xe tăng 10% và tiết kiệm nhiên liệu hơn 20% so với các dòng xe trước của hãng.
Hộp số CVT
Kết hợp với động cơ 1.5 VTEC Turbo là hộp số vô cấp CVT được đánh giá cao khi trang bị trên các mẫu xe khác của Honda như Civic hay City, thay thế cho hộp số tự động 5 cấp trên phiên bản tiền nhiệm. Hộp số CVT trang bị thêm công nghệ Earth Dream giúp động cơ phản ứng nhanh, cảm giác lái thể thao và khả năng tăng tốc mượt mà. Hiệu suất truyền động của hộp số CVT trên Honda CR-V được cải thiện tỷ số truyền 5 - 10% so với động cơ cũ trước đó của hãng.
Nếu ở chế độ D, hộp số giúp chiếc xe lướt đi mượt mà và nhẹ ngàng, vòng tua ở mức 1.500 - 1.800 vòng/phút, người lái có thể cảm nhận ưu điểm của hộp số này với sự êm ái. Nếu chuyển chế độ S, vòng tua lên khoảng 2.500 vòng một phút, hộp số CVT giúp chiếc xe tăng tốc tốt hơn và tạo cảm giác phấn khích. Sự kết hợp giữa động cơ và hộp số giúp độ trễ chân ga trên CR-V gần như không có, giúp trải nghiệm thể thao hay êm ái đều có trên chiếc xe này.
Khung gầm
Honda CR-V thế hệ mới sử dụng chung khung gầm với mẫu sedan Civic nhưng được tối ưu thiết kế cho SUV, hệ thống khung gầm này mang tới tính thể thao trong vận hành ở tốc độ cao và êm ái khi ở tốc độ thấp. Hệ thống khung gầm của xe sử dụng công nghệ mới bao gồm vật liệu thép mới cứng hơn đi kèm quá trình luyện kim được nâng cấp, giúp Honda CR-V có khung gầm có độ cứng chắc và trọng lượng tối ưu nhất so với các thế hệ trước của hãng.
Honda CR-V sử dụng vật liệu thép mới, chỉ chiếm 9% khối lượng của bộ khung xe nhưng tăng sức chịu đựng khi gặp phải va chạm mạnh, gia tăng độ cứng uốn của xe cũng nhưng tăng độ cứng xoắn. Honda còn trang bị thêm một bộ khung phụ với thanh giằng ổn định ở phía sau được gia cố bằng cao su giúp âm thanh vọng từ lốp xe và khoang lái giảm hẳn so với thế hệ tiền nhiệm của hãng.
Hệ thống treo
Hệ thống này đã được nâng cấp và khi lái, người trải nghiệm cảm nhận được. Về cơ bản, hệ thống treo trước vẫn là kiểu MacPherson và ở phía sau là liên kết đa điểm, nhưng được nâng cấp ở những chi tiết không ai nhìn thấy. Cụ thể, các thanh giằng cân bằng phía trước được gia công cứng chắc hơn và liên kết với hệ thống treo bằng các miếng đệm cao su, các chi tiết này giúp triệt tiêu rung động cũng như cách âm tốt hơn.
Vô lăng
Vô lăng của Honda được đánh giá cao về cảm giác lái, điều này đến từ việc sử dụng hệ thống lái trợ lực điện với bánh răng kép và tỷ số truyền biến thiên theo tốc độ, giúp phản hồi từ mặt đường lên tay người lái rõ ràng.
Ở tốc độ thấp, vô lăng Honda CR-V xử lý mềm mại và êm theo điều khiển của người lái, cùng với đó, nhờ tỷ số truyền tốt, chỉ cần quay hơn 2 vòng vô lăng là sẽ tới điểm cuối, giúp khả năng xoay trở trong đô thị được gọn gàng. Ở tốc độ cao, vô lăng sẽ trở nên cứng và chắc chắn hơn tăng sự an toàn, chính xác khi di chuyển. Hệ thống cảm biến mô men xoắn được tích hợp sẽ tính toán và đưa phản hồi giúp người điều khiển xử lý chuẩn xác và có thể theo dõi qua đồng hồ hiển thị trước mặt, đây là tính năng thường có trên các mẫu SUV cao cấp.