Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Ninh Thuận, tỉnh đang triển khai 15 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt 2.356 tỷ đồng, tăng 2.295 tỷ đồng so với lúc mới thành lập (năm 2003); doanh số cho vay đạt 6.504 tỷ đồng với 443.361 lượt khách hàng được vay vốn. Mức cho vay bình quân/hộ qua các năm đã tăng lên, từ 3,3 triệu đồng/hộ năm 2003 lên 35,6 triệu đồng/hộ năm 2020.
Trong 18 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách tại Ninh Thuận đã góp phần giúp 59.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút tạo việc làm 167.000 lao động; giúp cho hơn 38.200 hộ ở các xã thuộc vùng khó khăn vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh; 1.820 hộ vay vốn phát triển kinh tế - xã hội tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trên 200 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống các dân tộc, nhất là các làng nghề dệt thổ cẩm, làm gốm của dân tộc Chăm. Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm bình quân từ 1,5% - 2% và giảm từ 14,93% cuối năm 2015 xuống còn 5,33% cuối năm 2020 (giảm 9,6%).
Tính đến ngày 30/6/2021, nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh quản lý là 139,829 tỷ đồng trong đó từ nguồn Qũy quốc gia giải quyết việc làm là 68,442 tỷ đồng, nguồn do NHCSXH huy động là 62,957 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương là 8,430 tỷ đồng. Doanh số cho vay trong 05 năm qua thực hiện giải ngân là 210,739 tỷ đồng góp phần tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 7.255 lao động (trong đó, 3.440 lao động nữ, 474 lao động là người dân tộc thiểu số).. Đối vưới cho vay người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, doanh số cho vay giai đoạn 2016 đến nay là hơn 3 tỷ đồng với 56 nguời lao động vay, trong đó có 17 lao động nữ.
Bên cạnh việc tập trung thực hiện tăng trưởng tín dụng, NHCSXH Ninh Thuận đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Hằng năm, NHCSXH đã tham mưu giao chỉ tiêu nâng cao chất lượng tín dụng cho cấp huyện, xã; đồng thời, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác giao chỉ tiêu giảm nợ quá hạn cho Hội cấp huyện, xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như trưởng thôn, khu phố để triển khai thực hiện. Nhờ vậy, việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, trong đó có nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã tạo được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị tỉnh, các ngành, các cấp đều chung tay thực hiện, thể hiện sự phù hợp giữa chủ trương tín dụng chính sách của Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương và nhu cầu của người dân. Mặc dù có những thời điểm khó khăn, nhưng nhìn chung, nguồn vốn tín dụng chính sách đáp ứng tương đối đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, người lao động và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Hiện nay, chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm thực hiện theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày ngày 23/9/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Nghị định 74 có hiệu lực thi hành từ ngày 8/11/2019 với nhiều ưu đãi thuận lợi cho người lao động như: Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn. Thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng. Lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo.
Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục tham mưu chính quyền cân đối dành một phần nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát nhu cầu vay vốn của người dân để kịp thời lập kế hoạch phân bổ vốn và cho vay đúng đối tượng thụ hưởng. Tập trung triển khai cho vay ngay sau khi "Đề án cho vay giải quyết việc làm bằng nguồn vốn địa phương đối với các phường, thị trấn và các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh" được UBND tỉnh phê duyệt.