Theo đó, nông dân đầu tư hệ thống nhà kính có hệ thống điều chỉnh tự động, thiết bị cảm biến, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, công nghệ IoT... đưa diện tích ứng dụng công nghệ cao của Lâm Đồng tăng nhanh, không chỉ tập trung ở các huyện, thành trọng điểm mà nhiều loại hình công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi làm nên thương hiệu nông sản của tỉnh. Công nghệ thông tin kết hợp với điện tử, viễn thông, tự động hóa đã giải được nhiều bài toán về dự báo thời tiết; dự báo về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Những năm gần đây, nông dân Lâm Đồng đã được tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin vảo sản xuất nông nghiệp.
Ông Vinh cho biết, Lâm Đồng có trên 56.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/ha; mô hình sản xuất rau cao cấp đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt rau thủy canh đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng; hoa 1,2 tỷ đồng, chè chất lượng cao 250 triệu đồng và cà phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm...
Chia sẻ câu chuyện thành công từ nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Công Thừa - Chủ nhiệm HTX Anh Đào (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) từng cho biết, HTX đang áp dụng công nghệ nhà kính, nhà lưới và áp dụng thiết bị tự động hóa vào tưới tiêu. Hiện HTX đang trồng rau quả VietGAP cung cấp cho các hệ thống siêu thị khắp cả nước và xuất khẩu, sản lượng tiêu thụ bình quân 50.000 tấn trong nước và 4.000 tấn xuất khẩu. Doanh thu lên đến hơn 10 triệu USD/năm.