Trước thực trạng chất lượng không khí tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trở nên đáng lo ngại, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng chính quyền thành phố cũng như người dân sống trong khu vực đô thị chưa chuẩn bị sẵn tâm lý đối mặt với những diễn biến xấu của môi trường sống.
"Việt Nam đang thiếu thông tin và các số liệu có cơ sở khoa học để khuyến cáo người dân về vấn đề ô nhiễm không khí. Trong khi đó, người dân cần được truyền thông một cách cụ thể, minh bạch về việc này", TS Tùng cho biết.
Ông Tùng đưa ra 3 sự kiện gần đây khiến người dân bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến chất lượng không khí. Trong đó, vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông là sự kiện có tác động lớn đến nhận thức của người dân về loại ô nhiễm này.
Tiếp đó, sự kiện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tục nằm trong danh sách những thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới khiến người dân trở nên hoang mang.
"Ô nhiễm rác thải và nguồn nước là những loại hình ô nhiễm có thể nhìn thấy được nên người dân có phần quan tâm hơn. Trong khi đó, ô nhiễm không khí khó nhìn thấy, người dân chỉ quan tâm và cảm nhận được khi nó diễn ra ở mức độ nghiêm trọng", ông Tùng nói.
Cùng với đó, ông Tùng cho rằng các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh nhưng lại chưa thể đảm bảo yếu tố môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thành phố thông minh phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là làm cho cuộc sống người dân tốt hơn, bền vững hơn.
Do đó, việc đưa ra các thông tin cụ thể về chất lượng không khí các khu vực và những khuyến cáo cần thiết cho người dân là việc làm quan trọng. Tuy nhiên, nhiều cơ quan chuyên môn chưa làm được điều này.
"Nhiều cơ quan tỏ ra lúng túng trước việc xử lý dữ liệu, đưa ra khuyến cáo cho người dân về chất lượng môi trường. Trong thời đại thông tin bùng nổ, người dân rất cần được trang bị kiến thức về ô nhiễm không khí để tự bảo đảm an toàn cho mình", ông Tùng chia sẻ.
Trong khi đó, TS Sumeet Saksena, đại diện Trung tâm nghiên cứu Đông - Tây của Mỹ (EWC), cho rằng Việt Nam nên tập trung vào thực hiện quản lý chất lượng không khí, thu thập dữ liệu, nghiên cứu thời lượng người dân bị phơi nhiễm để đánh giá chính xác thực trạng.
Đặc biệt, các đơn vị chuyên môn cũng cần tiến hành nghiên cứu với những người hoạt động ở ngoài đường, quán ăn vỉa hè và những người hít khí thải từ xe cộ. Đây là những đối tượng có nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất từ ô nhiễm không khí.
"Việt Nam cần nâng cao nhận thức của người dân về rủi ro, thúc đẩy sự tham gia của các cá nhân vào việc giám sát và thu thập các số liệu về ô nhiễm không khí", ông Sumeet cho biết.
Nhận định thêm về việc đảm bảo chất lượng không khí khi xây dựng đô thị thông minh, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch cũng cho rằng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có một số nền tảng về môi trường để phù hợp với định hướng xây dựng thành phố thông minh.
Theo đó, 2 thành phố này hiện có hạ tầng gồm hệ thống mạng, đường truyền 4G, 5G, thiết bị cảm biến để nhận biết tình trạng ô nhiễm không khí. Các ứng dụng, phân tích số liệu như phần mềm, mô hình, AI, dữ liệu big data cũng hỗ trợ rất lớn để cơ quan chuyên môn đưa ra các đánh giá chính xác về chất lượng không khí.
"Tuy nhiên, nhìn vào thực tế có thể thấy, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều lúng túng trong việc giúp người dân tiếp cận các thông tin về chỉ số quan trắc chất lượng môi trường", ông Tùng nhận định.
Theo chuyên gia này, cơ quan chuyên môn của cả 2 thành phố vẫn chưa thể dự báo được chính xác chất lượng không khí, chưa thể đưa ra nhận định chính xác nguyên nhân ô nhiễm và chưa có thông tin khuyến cáo cụ thể về việc người dân cần làm gì trong thời điểm này.
Ngoài ra, chính quyền thành phố chưa có mục tiêu giảm ô nhiễm cụ thể theo từng năm, chưa kiểm kê được nguồn phát thải và chưa có chính sách rõ ràng với các nguồn ô nhiễm chính.
Hiện, Hà Nội chỉ có 3 trạm quan trắc không khí và TP Hồ Chí Minh có 9 trạm nhưng đã ngừng hoạt động. Điều này dẫn đến tình trạng các bộ máy quan trắc chưa được quản lý một cách chính thống và cơ quan chuyên môn của thành phố khó quản lý.
"Chính quyền thành phố có vẻ chưa thực sự sẵn sàng cho việc chuẩn bị chuyên môn, đánh giá và phân tích số liệu, đưa ra các nhận định, khuyến cáo cụ thể về tình trạng ô nhiễm không khí cho người dân", TS Hoàng Dương Tùng thẳng thắn bày tỏ.
Trong tuần qua, trang Airvisual thống kế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn nằm trong nhóm 10 thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới.
Vào một số thời điểm, chỉ số chất lượng không khí (AQI) 2 thành phố này cao nhất thế giới, tương ứng với 187 và 172 (ngày 26/9). Trong khi đó, thành phố Jakarta của Indonesia, quốc gia đang có cháy rừng xếp vị trí thứ 3.
Đến 8h ngày 28/9, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu với IQA cao 177 còn TP Hồ Chí Minh xếp thứ 3 với chỉ số AQI là 156. Người phát ngôn của trang Airvisual cho biết dữ liệu chất lượng không khí tại Hà Nội do họ công bố được lấy từ 14 trạm quan trắc, trong đó 10 trạm là của chính phủ, bao gồm 9 trạm của Cổng Thông tin Quan trắc Môi trường, 1 trạm của Đại sứ quán Mỹ, và 4 trạm của người đóng góp (contributors).
Chuyên gia y tế cảnh báo chỉ số AQI trên 100 đã ảnh hưởng đến sức khỏe nên khi gần chạm ngưỡng 200 thì người dân cần hạn chế ra ngoài.