Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phan Văn Anh Vũ: 'Bị cáo tự ra đầu thú chứ không phải bị bắt ở Singapore'

Ngày 5/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại TP Đà Nẵng.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Ảnh: Báo Tiền phong).

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Ảnh: Báo Đất Việt).

Theo báo Tiền phong, cáo trạng bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến thay nhau làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2006 - 2014) đã cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước để tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trục lợi cá nhân trong việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất công sản. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 22.047 tỷ đồng.

Hành vi thâu tóm đất, tài sản công của Vũ "nhôm" không chỉ khiến quan chức "gặp nạn", chính người thân của bị cáo này cũng vướng vào lao lý. Điển hình, bị cáo Nguyễn Quang Thành là em vợ của Phan Văn Anh Vũ nên đã giúp anh mình đứng tên cổ phần tại một số Cty. Ông Thành sau đó giúp Vũ "nhôm" ký các tờ trình, hợp đồng mua bán 3 nhà đất công sản và 2 dự án bất động sản, góp phần gây thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Thành cho biết mình là Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Hưng Phát và tham gia góp vốn vào 2 doanh nghiệp khác cùng Phan Văn Anh Vũ. Tuy vậy, bị cáo khẳng định không hề nhận sự chỉ đạo từ Vũ khi tham gia mua bán nhà đất, chỉ tham gia bàn bạc với tư cách cổ đông hoặc người trong gia đình.

Trong vụ án, cơ quan truy tố còn xác định vợ chồng ông Ngô Áng Hùng – Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn TNHH I.V.C và Phan Thị Anh Đài (chị gái Phan Văn Anh Vũ) đã cùng Vũ chuyển nhượng 4 nhà đất công sản. Tuy nhiên, do ông Hùng và bà Đài đã xuất cảnh ra nước ngoài trước thời điểm khởi tố vụ án hình sự nên cơ quan điều tra sẽ xem xét xử lý sau.

Trả lời câu hỏi của các luật sư về việc thâu tóm nhà đất số 100 Bạch Đằng, bị cáo Phan Văn Anh Vũ khẳng định bất động sản này hoàn toàn không liên quan đến mình. Vũ nói: "Cái này do Công ty Du lịch bán hay như nào đó cho ông Ngô Áng Hùng". Về 1 tỷ đồng liên quan số 100 Bạch Đằng, bị cáo Vũ cũng khẳng định do ông Hùng chuyển trực tiếp vào Công ty du lịch, không liên quan tới mình.

Tại tòa, bị cáo Lê Anh Tuấn – nguyên Chủ tịch Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển Đà Nẵng khai báo về việc giúp Phan Văn Anh Vũ mua nhà đất số 20 Bạch Đằng. Theo ông Tuấn, tình hình lúc đó của Công ty tàu biển Đà Nẵng rất khó khăn, công nhân bị nợ lương...

"Bị cáo lên gặp Bí thư Nguyễn Bá Thanh xin giúp thì được nói nhanh chóng bàn giao Khách sạn Sông Hàn đi, có thể chúng tôi sẽ không tính hệ số sinh lời cho anh" – ông Tuấn nói. Bị cáo này thừa nhận hành vi giúp sức Phan Văn Anh Vũ mua nhà đất số 20 Bạch Đằng nhưng cho rằng đây là đất đai, không phải tài sản nhà nước nên xin được đề nghị đổi tội danh từ "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" sang "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai".

Trong khi đó, khai trước toà sáng 4/1, báo Thanh niên cho biết, Phan Văn Anh Vũ nói, mình bị đưa về Việt Nam ngày 4/1/2018 do tự ra đầu thú chứ không phải bị bắt ở Singapore.

Trước khi toà xét hỏi, bị cáo Phan Văn Anh Vũ cũng đã gửi lá đơn với các nội dung: không nhận tội như cáo trạng, đòi lại tài sản là đồng hồ Rolex, điện thoại, máy tính xách tay và đề nghị Viện kiểm sát không gọi mình là Vũ "nhôm".

Trong vụ án này, ông Vũ bị truy tố tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và tội "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai". Trước đó là tội làm lộ bí mật nhà nước tại một vụ án khác.

Hội đồng xét xử hỏi bị cáo có phải bị bắt vào ngày 4/1/2018. Phan Văn Anh Vũ cho biết, mình không phải bị bắt mà tự vào cơ quan công an Singapore đầu thú, sau đó được dẫn về Việt Nam.

"Bị cáo có bị lệnh truy nã không?", Hội đồng xé xử hỏi tiếp. Vũ khẳng định: "Không ai truy nã, bị cáo không biết, không nhận được quyết định nào. Ở Singapore, qua mạng xã hội, bị cáo thấy nhà mình bị khám xét. Sau đó, bị cáo tự tới đồn công an ở Singapore để công an đưa về Việt Nam trình diện vào ngày 4/1/2018".

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, Phan Văn Anh Vũ đã lợi dụng chủ trương trái pháp luật tại các văn bản pháp lý của TP.Đà Nẵng, do cựu Chủ tịch Trần Văn Minh ký ban hành với động cơ thâu tóm thị trường bất động sản để trục lợi.

Kết quả điều tra chưa làm rõ được việc ăn chia lợi ích của ông Phan Văn Anh Vũ với ông Trần Văn Minh và các đồng phạm, nhưng tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án xác định: trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2010, Phan Văn Anh Vũ đã thành lập 5 công ty và sử dụng các tư cách pháp nhân này để mua, chuyển nhượng nhà, đất.

Trong thời gian dài, bị cáo Vũ đã tác động thông qua các tờ trình, nộp tiền đặt cọc trước khi có các quyết định cho phép bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất để hoàn thành hồ sơ, trục lợi tại 4 dự án bất động sản, gồm: dự án 29 héc-ta thuộc Khu đô thị Quốc tế Đa Phước, Khu dân cư An Cư 2 mở rộng và An Cư 3 mở rộng, Habour Ville, Dự án 3,77 ha và đường Trường Sa, gây thiệt hại hơn 18.278 tỉ đồng.

Bị cáo Vũ đã trục lợi trực tiếp tại 15/22 nhà, đất công sản trong vụ án này, gây thiệt hại 1.775 tỉ đồng.